Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Phân tích một đoạn thơ mà em yêu thích trong Truyện Kiều hoặc Truyện Lục Vân Tiên Văn mẫu lớp 9 Cánh diều tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Phân tích một đoạn thơ mà em yêu thích trong Truyện Kiều hoặc Truyện Lục Vân Tiên gồm 2 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài văn phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thật hay.
Nhờ đó, các em dễ dàng trả lời câu hỏi tiết Viết – Bài 2: Truyện thơ Nôm SGK Ngữ văn 9 Cánh diều tập 1 trang 47. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn, viết bài văn phân tích một đoạn trích thật hay.
Đề bài: Hãy phân tích một đoạn thơ mà em yêu thích trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) hoặc Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu).
Dàn ý Phân tích một đoạn thơ trích từ Truyện Kiều hoặc Truyện Lục Vân Tiên mà em yêu thích
a. Mở bài
Giới thiệu về Truyện Kiều và đoạn trích Chị em Thúy Kiều:
- Truyện Kiều là kiệt tác văn học của Nguyễn Du, giàu tính hiện thực, nhân đạo và mang nhiều giá trị nghệ thuật to lớn.
- Đoạn trích nằm ở phần mở đầu tác phẩm, giới thiệu gia cảnh của Thuý Kiều, đặc biệt miêu tả tài sắc của Thuý Kiều và Thuý Vân.
b. Thân bài
* Khái quát vấn đề chung
- Miêu tả nhân vật, khắc họa tính cách và số phận của con người là tài năng của Nguyễn Du, đây là thành công lớn của ông.
- Miêu tả nhân vật chính diện: sử dụng bút pháp lý tưởng hóa nhân vật. Miêu tả nhân vật phản diện: bút pháp hiện thực hóa. Đoạn trích Chị em Thúy Kiều thể hiện vẻ đẹp toàn bích tới chuẩn mực Á Đông là hai nàng Vân, Kiều.
* Phân tích vẻ đẹp nhân vật Thúy Vân
– Ban đầu, Nguyễn Du gợi tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều từ hình ảnh thiên nhiên: mai, tuyết. Bút pháp ước lệ gợi ấn tượng về vẻ đẹp với cốt cách như mai, thanh tao, và cốt cách trong trắng, tinh khôi như tuyế
– Bốn câu thơ miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân: thanh cao, duyên dáng, trong trắng.
- Câu thơ “Vân xem trang trọng khác vời” khái quát được vẻ đẹp cao sang, quý phái của nàng.
- Vẻ đẹp của Vân sánh với những thứ đẹp nhất từ tự nhiên như hoa, mây trắng, tuyết, ngọc.
- Chân dung của Thúy Vân đẹp từ khuôn mặt, nụ cười, mái tóc, làn da, với phong thái điềm đạm (các chi tiết so sánh, ẩn dụ thú vị trong thơ).
→ Vẻ đẹp của Vân hơn mọi chuẩn mực của tự nhiên, khiến tự nhiên cúi đầu chịu ‘thua”, “nhường”, ắt hẳn cuộc đời nàng sẽ được an ổn, không sóng gió.
* Phân tích vẻ đẹp Thúy Kiều
– Tác giả tả vẻ đẹp Thúy Vân trước để làm nổi bật vẻ đẹp Thúy Kiều:
- Kiều càng sắc sảo mặn mà: Vẻ đẹp của Thúy Kiều mặn mà về tâm hồn, sắc sảo về trí tuệ.
- Tác giả sử dụng lối ước lệ tượng trưng: thu thủy, xuân sơn để đặc tả riêng đôi mắt trong sáng, long lanh của Kiều.
- Thúy Kiều gợi lên là trang tuyệt thế giai nhân với vẻ đẹp khiến tự nhiên phải ganh ghét, đố kị: hoa ghen, liễu hờn.
- Cái tài của Thúy Kiều đạt đến mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến: cầm, kì, thi, họa.
- Nhấn mạnh tài đàn của nàng, đặc biệt cung đàn bạc mệnh của nàng (Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân) là tiếng lòng của trái tim đa sầu, đa cảm.
→ Chân dung Thúy Kiều khiến tạo hóa ganh ghét, tài hoa thiên bẩm, tâm hồn đa sầu đa cảm dự báo số phận trắc trở, nghiệt ngã đầy sóng gió bởi “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.
– Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân trước rồi miêu tả Thúy Kiều, thủ pháp đòn bẩy này làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều.
– Sử dụng tài tình các tính từ miêu tả vẻ đẹp Vân, Kiều (vẻ đẹp mang số phận): mặn mà, trang trọng, sắc sảo…
– Các biện pháp so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, đối xứng, liệt kê, tăng tiến, điển tích điển cố… được sử dụng linh hoạt trong đoạn trích.
→ Bút pháp ước lệ tượng trưng là cách thể hiện con người quen thuộc trong thơ ca trung đại (miêu tả qua những công thức, chuẩn mực có sẵn được quy ước trong nghệ thuật)
c. Kết bài
– Đoạn trích khắc họa rõ nét chân dung chị em Thúy Kiều nhờ bút pháp ước lệ tượng trưng, thủ pháp đòn bẩy và các biện pháp tu từ.
– Nguyễn Du thể hiện cảm hứng nhân văn qua việc đề cao con người, ca ngợi vẻ đẹp tài năng của con người và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh.
Phân tích đoạn trích Chị em Thuý Kiều (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Truyện Kiều là một kiệt tác của thiên tài Nguyễn Du và của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Đây là tác phẩm có giá trị rất lớn về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” được trích ở phần 1: Gặp gỡ và đính ước, trong Truyện Kiều. Bằng những nét vẽ điêu luyện, tài tình, Nguyễn Du đã khắc họa chân thực và sống động vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều. Tuy mỗi người một vẻ nhưng ai cũng mang vẻ đẹp xưa nay hiếm có.
Mở đầu đoạn thơ, tác giả gợi tả vẻ đẹp chung của chị em Thúy Kiều. Nét phác thảo đơn sơ nhưng cũng đủ để làm hiện hình vẻ đẹp của hai tuyệt thế giai nhân:
Đầu lòng hai ả tố nga
Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Sau khi giới thiệu vai chị vai em, Nguyễn Du đi vào miêu tả. Bút pháp tả người của Nguyễn Du trước hết là bút pháp ước lệ tượng trưng thường gặp trong thơ cổ điển. Hình ảnh ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng “mai cốt cách tuyết tinh thần” được sử dụng tài tình để miêu tả vẻ đẹp của chị em Thuý Kiều. Cả hai chị em mang vóc dáng thanh cao, mảnh dẻ, yểu điệu, mềm mại như dáng mai. Suy nghĩ, tình cảm, tâm hồn trắng trong như tuyết. Hai người với hai vẻ đẹp khác nhau nhưng đều đẹp “mười phân vẹn mười”.
Tiếp sau đó, tác giả gợi tả vẻ đẹp của Thuý Vân bằng các hình ảnh chọn lọc, từ ngữ tiêu biểu:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Câu thơ mở đầu giới thiệu khái quát được nhân vật bằng 4 chữ “trang trọng khác vời”, nói lên vẻ đẹp cao sang quí phái của Thuý Vân. Vẫn bằng bút pháp ước lệ tượng trưng với những hình ảnh quen thuộc nhưng khi tả Thúy Vân, tác giả có nhiều hướng tả cụ thể trong thủ pháp liệt kê cụ thể, trong việc sử dụng từ ngữ để làm nổi bật riêng, đối tượng miêu tả “đầy đặn”, “nở nang”, “đoan trang”. Nguyễn Du còn sử dụng biện pháp ẩn dụ nhân hoá: khuôn trăng nét ngài hoa cười ngọc thốt mây thua tuyết nhường góp phần thể hiện vẻ đẹp phúc hậu cao quý của Thuý Vân. Khuôn mặt tròn trịa toả sáng đầy đặn như mặt trăng, lông mày sắc nét đậm như con ngài, miệng cười tươi như hoa, giọng nói trong trẻo toát ra từ hàm răng ngà ngọc, mái tóc đen óng nhẹ hơn mây, da trắng mịn hơn tuyết, tính cách nghiêm trang đứng đắn. Qua đó, Thuý Vân hiện lên là cô gái đoan trang phúc hậu. Chân dung Thuý Vân là chân dung mang tính cách, số phận. Vẻ đẹp của Thuý Vân tạo sự hoà hợp êm đềm với xung quanh mây thua tuyết nhường , nên nàng sẽ có một cuộc đời bình lặng suôn sẻ hạnh phúc.
Sau khi miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vân tác giả miêu tả vẻ đẹp của Thuý Kiều. Nếu Thuý Vân được giới thiệu qua 4 câu với vẻ đẹp cộng phẩm chất thì Thuý Kiều được miêu tả qua 12 câu. Đây là nghệ thuật đòn bẩy nhằm làm nổi bật nhân vật chính của tác giả:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một mai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.
Cũng như lúc tả Vân, câu thơ đầu khái quát đặc điểm nhân vật. Kiều sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn. Gợi tả vẻ đẹp của Kiều, tác giả vẫn dùng những hình ảnh ước lệ ẩn dụ làn thu thuỷ nét xuân sơn (nước mùa thu, núi mùa xuân). Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi tả về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế. Điều đáng chú ý là khi hoạ bức chân dung Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp đôi mắt, bởi đôi mắt thể hiện phần hình ảnh của tâm hồn và trí tuệ. “Làn thu thuỷ” gợi lên vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt. “Nét xuân sơn” gợi lên đôi lông mày thanh tú, mềm mại, tươi non trên gương mặt trẻ trung. Bằng hình ảnh nhân hoá “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, tác giả làm nổi bật dung nhan của Kiều đằm thắm khiến hoa phải ghen, dáng trẻ trung đầy sức sống khiến liễu phải hờn. Nàng có vẻ đẹp làm say đắm, chinh phục lòng người qua điển tích điển cố nghiêng nước nghiêng thành. Nàng quả là một trang tuyệt thế giai nhân nhưng nàng không chỉ đẹp mà còn rất đa tài:
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên trương
Một thiên bạc mệnh lại càng lão nhân.
Nàng thông minh bẩm sinh, có tài làm thơ vẽ pha nghề ca hát đủ mùi, tài đàn ăn đứt, âm luật giỏi đến mức làu bậc, còn sáng tác nhạc “một thiên bạc mệnh” – chính là sự ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sắc đa cảm. Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp giữa sắc tài và tình. Chân dung Thuý Kiều cũng là chân dung mang tính cách số phận vẻ đẹp của nàng làm cho tạo hoá phải ghen ghét vẻ đẹp của nàng hoa ghen liễu hờn nên số phận của nàng sẽ éo le đau khổ.
Bốn câu thơ cuối Nguyễn Du giới thiệu về cuộc sống của chị em Thuý Kiều tuy là khách hồng quần đẹp thế lại phong lưu rất mực, đã tới tuần cập kê nhưng cả hai vẫn sống một cuộc đời êm đềm trong khuôn phép gia giáo:
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Đoạn thơ có âm điệu nhẹ nhàng tạo nên một cuộc sống yên vui êm ấm của những thiếu nữ phòng khuê.
Đoạn trích Chị em Thuý Kiều là một trong những đoạn thơ hay nhất đẹp nhất trong Thuý Kiều. Ngôn ngữ thơ điêu luyện, giàu cảm xúc, nét vẽ hàm súc gợi cảm, sử dụng biện pháp ẩn dụ nhân hoá để dựng lên bức chân dung sống động của hai chị em Thuý Kiều. Đáng quý là bức chân dung tuyệt vời ấy lại được dựng lên bằng tình yêu thương trân trọng đối với con người của tác giả.
Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)
Nguyễn Đình Chiểu là một con người có nhân cách lớn, một tấm gương về sự học, tinh thần vươn lên và tinh thần yêu nước mạnh mẽ. Người đời biết đến ông không chỉ là một bậc danh nho tinh thông y thuật mà ông còn nổi tiếng là một nhà thơ, nhà văn lớn, tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, nửa cuối thế kỉ XIX. Những áng văn chương của cụ đồ Chiểu luôn nhằm hướng tới truyền bá đạo lý làm người, tình yêu nước và ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm mạnh mẽ. Và một trong các tác phẩm gây được tiếng vang lớn nhất trong sự nghiệp cầm bút ấy của ông là “Truyện Lục Vân Tiên” – một tác phẩm truyện thơ Nôm rất độc đáo, rất điển hình hướng tới đạo lý làm người: hành hiệp trượng nghĩa, cứu khổ phò nguy, hướng tới lẽ công bằng và tình yêu thương giữa con người với con người. Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là đoạn trích hay, tập trung nổi bật được tư tưởng, đạo lí mà nhà thơ muốn gửi gắm.
Đoạn trích nằm ở phần đầu của truyện. Tác phẩm được viết vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ XIX, dài hơn hai nghìn câu thơ, theo thể lục bát, kết cấu theo kiểu truyền thống của loại truyện phương Đông, theo lối chương hồi, xoay quanh diễn biến cuộc đời nhân vật chính. Đây là truyện thơ Nôm mang tính chất là truyện để kể hơn là để đọc, để xem. Vì thế, truyện được lưu truyền rộng rãi dưới hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như “kể thơ”, “nói thơ, và “hát thơ”. Đoạn trích thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa những phẩm chất đẹp đẽ của hai nhân vật: Chàng thư sinh Lục Vân Tiên – người mang trong mình tràn đầy lý tưởng của tuổi trẻ nhiệt huyết, trọng nghĩa khinh tài, cán cân của công lý, sẵn sàng ra tay trừng trị cái xấu, cái ác, bênh vực cái đẹp, cái yếu đuối, bất hạnh; Còn Kiều Nguyệt Nga lại là một tiểu thư khuê các, dịu dàng, xinh đẹp, hiền hậu, nết na, ân tình.
Trước hết là hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên – một nhân vật lý tưởng của cái đẹp: dũng cảm, tài ba, đầy khí phách. Trên đường trở về quê nhà, Vân Tiên thấy bọn cướp Phong Lai đang giở trò cướp bóc, làm hại dân lành, chàng liền ra tay tương trợ đánh tan cái xấu, cái ác. Hình ảnh Lục Vân Tiên hành hiệp trượng nghĩa được tái hiện rất cụ thể trong hành động và lời nói khi chiến đấu với bọn giặc:
Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Kêu rằng: “bớ đảng hung hồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”
Hành động đánh cướp trước hết bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Lục Vân Tiên. Một mình chàng, tay không tấc sắt dám đương đầu với cả một toán giặc cỏ với đầy đủ các loại vũ khí gươm giáo sáng quắc trong tay. Hành động “bẻ cây làm gậy” của chàng là một hành động dũng cảm, xuất phát từ cái đức của một con người “vị nghĩa vong thân” (vì việc nghĩa mà không tiếc thân mình). Tuy một mình nhưng chàng vẫn hiện lên vẫn rất uy dũng, mạnh mẽ, hào hiệp xông thẳng vào trận đánh, vừa tiến tới lại vừa thét lên những lời nói đầy giận dữ, quả quyết kết tội bọn giặc”bớ đảng hung đồ”, “chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Kết quả, bọn cướp sợ hãi thất kinh mà “vỡ tan” như đàn ong vỡ tổ. Tên cướp cầm đầu là Phong Lai thì chẳng kịp trở tay, bị ăn ngay một gậy chí mạng sống không được, chết cũng không xong.
Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quang gươm giáo tìm đàng chạy ngay
Phong Lai trở chẳng kịp tay
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.
Như vậy, với nghệ thuật so sánh tương phản, tác giả đã tái hiện không khí cuộc đấu tranh giữa Lục Vân Tiên với bọn cướp Phong Lai hết sức cam go, quyết liệt. Qua đó chúng ta thấy Lục Vân Tiên hiện lên là một người anh hùng dũng cảm, không sợ hiểm nguy và thấy việc nghĩa thì ra tay giúp đỡ. Phải chăng đó là cái đức, cái tài và cái dũng của bậc anh hùng trong con người Lục Vân Tiên, đã chiến thắng được thế lực bạo bạo, dù chúng rất hung bạo, dữ dằn. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo, nhân sinh sâu sắc mà cụ đồ Chiểu muốn gửi gắm nơi người đọc.
Sau khi dẹp tan bọn giặc cỏ, thái độ cư xử của chàng trai họ Lục đối với Kiều Nguyệt Nga đã bộc lộ tư cách của con người: chính trực, hào hiệp, khiêm tốn, trọng nghĩa khinh tài, từ tâm nhân hậu và rất mực văn hóa.Ban đầu chàng bộc lộ sự quan tâm bằng cách hỏi han ân cần, chu đáo: “Hỏi: “ai than khóc ở trong xe này?” ; “Tiểu thư con gái nhà ai/ Đi đâu nên nỗi mang tai bất kì?/ Chẳng hay tên họ là chi? Khuê môn phận gái việc gì tới đây?…”. Thấy hai cô gái còn chưa hết bàng hoàng, hoảng hốt, Vân Tiên “động lòng” an ủi, trấn an tinh thần Kiều Nguyệt Nga qua lời nói: “Đáp rằng: “Ta đã trừ dòng lâu la”. Khi biết Kiều Nguyệt Nga định xuống xe lạy tạ, chàng nhất mực từ chối vì giữ lễ tiết:
“Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai?”
Đặc biệt chàng còn khiêm tốn không chịu nhận vật trả ơn: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Cuối cùng, hai người cùng xướng họa với nhau một bài thơ rồi nhẹ nhàng từ biệt ra đi, không vấn vương, nuối tiếc. Đến đây, chúng ta thấy Lục Vân Tiên là con người rất mực tâm lý, có nghĩa khí, giữ đúng phép tắc của nho gia, coi thường tiền tài, vật chất. Phải chăng, đối với chàng làm việc nghĩa như là bổn phận, trách nhiệm và vốn lẽ tự nhiên phải làm. Vì thế, ở cuối đoạn trích, có hai câu thơ đã nêu bật được quan niệm về người anh hùng của tác giả:
“Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”
Người anh hùng là người lấy việc nghĩa khí lên làm đầu. Nếu thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người anh hùng. Đây cũng chính là quan niệm về người anh hùng của tác giả. Qua đó, tác giả thay mặt nhân dân thể hiện niềm ước mong: trong thời buổi loạn lạc, nhiễu nhương, hỗn loạn, cái xấu cái ác hoành hoành những con người tài đức, dám ra tay cứu nạn giúp đời như Lục Vân Tiên thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
Tiếp đến là hình tượng nhân vật Kiều Nguyệt Nga, nàng cũng là nhân vật chính và là nhân vật lí tưởng trong tác phẩm. Với tư cách là một người chịu hàm ơn, Kiều Nguyệt Nga đã bộc lộ rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp của người con gái: Cách xưng hô của nàng với Lục Vân Tiên, gọi chàng là “quân tử”, tự xưng mình là “tiện thiếp”. Điều đó, bộc lộ cách ứng xử của một người phụ nữ thùy mị, nết na, khiêm nhường, đầy sự tôn trọng đối với người đang giao tiếp. Tiếp đến, nàng còn hiện lên là người phụ nữ khuôn phép, có học thức của một tiểu thư khuê các, gia giáo:
“Làm con đâu dám cãi cha
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành”
Cuối cùng, với tư cách là người chịu ơn, nàng cư xử đúng mực, biết trước biết sau, biết ơn với người đã cứu giúp mình:
Trước xe quân tử tạm ngồi
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa
Với nàng, Lục Vân Tiên không chỉ cứu mạng mà còn cứu cả cuộc đời trinh bạch trong trắng của nàng: “Lâm nguy chẳng gặp giải nguy/ Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”. Vì thế nàng tìm mọi cách để thuyết phục Lục Vân Tiên nhận sự tạ ơn của mình: “Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”. Cuối cùng, nàng đã cảm mến Lục Vân Tiên mà họa vẽ bức chân dung của mình rồi đưa cho chàng, tự nguyện gắn bó cuộc đời của mình với Lục Vân Tiên, dám liều mình để giữ trọn ân tình, thủy chung với chàng. Đến đây, chúng ta nhận ra một mô típ quen thuộc ở truyện thơ Nôm truyền thống: chàng trai tài giỏi, cứu cô gái khỏi tình huống hiểm nghèo, rồi đi từ ân nghĩa đến tình yêu…
Xét về mặt nghệ thuật, thông qua việc phân tích ở trên, chúng ta thấy được nhân vật trong đoạn trích này chủ yếu được miêu tả qua hành động, cử chỉ, lời nói, ít khắc họa ngoại hình, càng ít đi sâu vào diễn tả nội tâm, rất gần với văn học dân gian; ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày và mang màu sắc Nam Bộ, phù hợp với ngôn ngữ người kể chuyện; lời thơ với giọng điệu kể chuyện linh hoạt, khéo léo, phù hợp với diễn biến tình tiết và tính cách nhân vật.
Tóm lại, đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là một đoạn trích hay, độc đáo, có thể coi đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa và những đạo đức đáng quý, tốt đẹp ở đời. Thể hiện niềm ước mơ của tác giả, của nhân dân về khát vọng hành đạo, giúp đời, hướng tới lẽ công bằng, cái thiện, cái đẹp sẽ luôn chiến thắng cái xấu, cái ác…
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Phân tích một đoạn thơ mà em yêu thích trong Truyện Kiều hoặc Truyện Lục Vân Tiên Văn mẫu lớp 9 Cánh diều tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.