Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại) Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 8 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Những thói quen xấu trong xã hội hiện đại gây ra nhiều tác hại. Hôm nay, Blogdoanhnghiep.edu.vn muốn giới thiệu tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại).
Tài liệu dành cho các bạn học sinh lớp 8 tham khảo để có thêm ý tưởng cho bài văn của mình. Nội dung chi tiết ngay sau đây.
Dàn ý nghị luận về một thói xấu của con người
1. Mở bài
Nêu vấn đề cần nghị luận: một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại (kiêu ngạo – thích chơi trội của một bộ phận thanh niên, sống ích kỉ, lười nhác hay than vãn, lối sống ảo,…)
2. Thân bài
a. Làm rõ vấn đề nghị luận
Giải thích khái niệm về thói xấu: Kiêu ngạo là gì? Sống ích kỉ là gì? Lối sống ảo là gì?,…
b. Trình bày ý kiến phê phán, lí lẽ và bằng chứng để chứng minh phê phán là có cơ sở
- Biểu hiện của thói xấu
- Nguyên nhân hình thành thói xấu
- Tác hại của thói xấu
c. Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Nêu ý kiến phản biện: không đồng tình với ý kiến của người viết (giả định)
- Học sinh cần ý thức tác hại của thói xấu để tránh mắc phải.
- Tích cực học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân tốt đẹp hơn.
3. Kết bài
Khẳng định ý kiến phê phán, bài học cho chính mình.
Nghị luận về một thói xấu của con người – Mẫu 1
Trong cuộc sống hiện đại, một trong những thói hư tật xấu cần tránh đó là hay đổ lỗi cho người khác.
Đổ lỗi là hành vi cố tình bỏ qua lỗi lầm, hoặc viện ra lí do khách quan để che đậy lỗi lầm của bản thân hoặc đổ cho người khác lỗi lầm đó. Ví dụ như học sinh đổ lỗi khi quen làm bài tập về nhà, nhân viên đổ lỗi khi không hoàn thành công việc, nhà máy xí nghiệp đổ lỗi khi làm ra sản phẩm kém chất lượng,…
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thói hư tật xấu này. Đầu tiên, nhiều người sống hèn nhát, ích kỷ và thiếu trách nhiệm. Họ không dám nhận lỗi lầm về mình, nên tìm mọi cách để đổ lỗi cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, cũng có người chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình, không quan tâm đến người khác. Khi gặp phải vấn đề, họ tìm cách bào chữa cho bản thân, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác mà không nghĩ đến việc sửa chữa, khắc phục.
Hành vi đổ lỗi sẽ gây ra nhiều hậu quả như khiến cho bản thân người đó trở nên xấu hơn, sống ích kỉ và không nghĩ đến người khác. Không chịu sửa lỗi có thì bản thân sẽ mãi giậm chân tại chỗ, không thể thành công trong cuộc sống. Trong một tập thể, chúng ta cứ đổ lỗi sẽ khiến cho tập thể mất đoàn kết.
Mỗi người cần hiểu được rằng cần nhận ra sai lầm, khắc phục để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Với một học sinh thì việc rèn luyện bản thân, tránh xa những thói hư tật xấu như hay đổ lỗi cho người khác là vô cùng quan trọng.
Hãy tích cực hoàn thiện bản thân, để hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thành công chỉ đến với những người biết nhận ra lỗi lầm và tích cực sửa chữa.
Nghị luận về một thói xấu của con người – Mẫu 2
Cuộc sống hiện đại có sự phát triển của khoa học công nghệ. Mạng xã hội ra đời phục vụ nhu cầu giải trí. Đôi khi, chúng ta quá chìm đắm trong thế giới của mạng xã hội mà quên đi cuộc sống hiện thực, đặc biệt là đối với giới trẻ. Một hiện tượng phổ biến trong xã hội hôm nay đó là lối sống ảo.
Sống ảo là chìm đắm trong thế giới của mạng xã hội – một thế giới không có thật. Nó đã trở thành một trào lưu trong xã hội hiện đại khi mà ai cũng đều sở hữu cho mình một chiếc điện thoại thông minh. Lối sống ảo xuất hiện phổ biến nhất ở các bạn trẻ. Vì đây là lứa tuổi này dễ dàng tiếp cận với khoa học công nghệ, đồng thời họ cũng luôn thích chứng minh bản thân.
Một số trang mạng xã hội phổ biến được nhiều người dùng như: Facebook, Instagram, Zalo… Chúng ta chỉ có một chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối mạng internet là có thể truy cập ngay vào các trang mạng xã hội này – bất cứ khi nào, bất cứ ở đầu. Việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ cuộc sống của bản thân là không sai. Nhưng nếu như, con người quá chìm đắm trong thế giới đó mà quên đi cuộc sống thực tại của mình thì đó chính là sống ảo. Một ngày có 24 giờ nhưng có những bạn trẻ dành đến 18 – 20 giờ để online trên mạng xã hội. Họ đăng một dòng trạng thái, một bức ảnh lên mạng xã hội rồi chờ đợi những “lượt like, comment, share” – càng nhiều càng cảm thấy thích thú. Chỉ cần những có những bức ảnh sở hữu hàng nghìn, trăm nghìn lượt like hay trên Facebook có hàng chục nghìn người theo dõi là các bạn có thể trở thành hot girl, hot boy của cộng đồng mạng. Chẳng cần tham gia bất cứ hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện nào mà những con người ấy nghiễm nhiên trở thành người nổi tiếng. Điều đó sẽ khiến con người tự ảo tưởng về bản thân mình. Điều đó thật nguy hiểm.
Nhiều bạn trẻ có thói quen chuyện gì cũng đăng lên facebook, chuyện gì cũng mang lên mạng xã hội để khoe khoang. Ngay cả chuyện hôm nay ăn uống những gì, đi chơi ở đâu họ cũng đăng lên mạng xã hội. Mạng xã hội còn bị những thành phần chống phá Nhà nước lợi dụng để lan truyền những thông tin thất thiệt. Hay như trong những ngày vừa qua, trong đai ịch Covid-19, nhiều người đã chia sẻ những thông tin sai lệch về dịch bệnh lên mạng xã hội khiến cả cộng đồng hoang mang, cuối cùng nhận hậu quả là bị công an triệu tập lên để xử phạt…
Hiện tượng sống ảo bắt nguồn từ việc con người mong muốn được thể hiện bản thân, khát khao được nổi tiếng, trở thành một hiện tượng xã hội thu hút sự quan tâm của mọi người. Họ không chọn cách nổi tiếng bằng con đường học hành, thi cử hay nổi tiếng bằng những việc làm có ích cho xã hội mà thay vào đó là sự nổi tiếng do những phát ngôn gây sốc, những tấm ảnh chỉnh sửa quá đà… Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm của gia đình, người thân cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các bạn trẻ. Vì ngại chia sẻ với những người xung quanh nên họ có thể chia sẻ mọi chuyện với một người xa lạ trên mạng xã hội. Sống ảo cũng bắt nguồn từ sự nhận thức lệch lạc của mỗi người. Họ cho rằng sống ảo là lối sống thời thượng, rất phù hợp với thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.
Từ những suy nghĩ ấy mà khiến hiện tượng sống ảo ngày càng lan rộng và để lại nhiều hậu quả trong giới trẻ. Sống ảo chiếm khá nhiều quỹ thời gian của họ khiến họ mất tập trung vào học tập, công việc. Họ chỉ quan tâm đến thế giới ảo mà không quan tâm đến cuộc sống ngoài đời thực của mình. Họ thu mình vào một thế giới riêng, thế giới với những ảo mộng mà không giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Điều đó có thể dẫn tới những suy nghĩ và hành động tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến chính bản thân người sống ảo và những người xung quanh.
Để ngăn chặn tình trạng này, con người cần phải ý thức việc sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý. Đồng thời, gia đình và nhà trường cũng cần có quan tâm, chia sẻ hợp lý. Bản thân mỗi người hãy tự ý thức tránh để bản thân rơi vào lối sống ảo.
Mỗi người cần ý thức được tác hại của lối sống ảo. Từ đó, chúng ta cần tỉnh táo trong việc sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ ngày nay.
Nghị luận về một thói xấu của con người – Mẫu 3
Bên cạnh thói quen tốt, con người có khá nhiều thói quen xấu Một trong số đó có thể kể đến hay đổ lỗi cho người khác – một thói hư tật xấu cần tránh.
Trước tiên, đổ lỗi là hành vi cố tình bỏ qua lỗi lầm, hoặc viện ra lí do khách quan để che đậy lỗi lầm của bản thân hoặc đổ cho người khác lỗi lầm đó. Việc đổ lỗi xuất hiện trong cuộc sống khá phổ biến.
Nguyên nhân xuất phát từ sự lười nhác, không chịu cống hiến mà chỉ muốn hưởng thụ của nhiều người. Khi nhìn thấy sai lầm của người khác hoặc bản thân gây ra sai lầm, họ thờ ơ, không chịu khắc phục hay thay đổi. Cùng với đó, nhiều người có cách sống hèn nhát, ích kỷ và thiếu trách nhiệm, chỉ muốn đùn đẩy phần khó khăn cho người khác. Có người lại chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình, không quan tâm đến người khác. Khi sai lầm xảy ra, họ chỉ cố sức bảo vệ mình, bỏ mặc người khác dù hậu quả có thế nào đi chăng nữa.
Việc đổ lỗi gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong một tập thể, việc đổ lỗi sẽ gây mất đoàn kết. Đối với mỗi người, đổ lỗi không giúp khắc phục hậu quả gây ra, mà trái lại càng làm việc khắc phục hậu quả thêm trì trệ, khiến hậu quả càng nghiêm trọng. Con người dần trở nên thiếu trách nhiệm, sống ích kỉ và ngày càng xấu xí hơn nếu chỉ biết đổ lỗi, không dám nhận lỗi về bản thân để sửa đổi.
Mỗi người cần phải rèn luyện bản thân, tránh tâm lí đổ lỗi cho mọi người xung quanh. Trước mỗi vấn đề xảy ra, chúng ta cần tự nhìn nhận lại bản thân – “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”. Bản thân nhìn nhận ra hạn chế để thay đổi, không nên đổ lỗi cho khách quan hay mọi người xung quanh. Có như vậy, chúng ta mới tự hoàn thiện chính mình, trở nên hoàn hảo hơn.
Nghị luận về một thói xấu của con người – Mẫu 4
Ông cha ta đã có câu tục ngữ “Ăn gian nói dối” để chỉ những người gian xảo, dối trá. Trong xã hội hiện đại, nói dối đã trở thành một thói xấu, gây ra những tác hại đến mỗi người.
Đầu tiên, nói dối là hành vi cố tình cung cấp thông tin sai với thực tế, để đạt được một mục đích nào đó, thường là không chính đáng. Con người thường dùng lời nói dối để che đậy dã tâm hay muốn lấp liếm lỗi lầm đã gây ra. Chắc hẳn mỗi người đều biết đến câu chuyện về chú bé chăn cừu. Chuyện kể rằng một chú bé nọ đang chăn cừu trên cánh đồng. Vì quá buồn chán, cậu bé đã nói dối dân làng có chó sói đến ăn thịt đàn cừu của cậu. Ban đầu, dân làng tin lời cậu bé, chạy đến để giúp đỡ. Nhưng sau khi phát hiện cậu bé nói dối, còn bị cậu chế giễu khiến họ rất tức giận. Lần thứ nhất, rồi đến lần thứ hai, dân làng vẫn đến giúp đỡ. Nhưng sau nhiều lần bị cậu bé lừa, họ đã không còn tin tưởng vào cậu bé. Cuối cùng, khi chó sói đến thật, cậu bé kêu cứu nhưng chẳng còn ai tin lời, đến giúp đỡ cậu nữa. Kết quả là đàn cừu đã bị chó sói ăn thịt. Trong cuộc sống hằng ngày, việc nói dối có thể xảy ra như con cái nói dối bố mẹ để đi chơi, học sinh nói dối thầy cô để trốn học. Hay một doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm không đảm bảo an toàn, gian dối với người tiêu dùng sẽ gây ra những hậu quả về tính mạng của con người. Nhiều vị lãnh đạo đã dối trên, lừa dưới đã gây ra sự bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Nói dối gây ra những hậu quả lớn. Đầu tiên, một người có thói quen nói dối sẽ đánh mất đi niềm tin của những người xung quanh. Ông cha ta đã có câu: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Để xây dựng uy tín, lấy được lòng tin của mọi người phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng chỉ cần một lời nói dối có thể khiến cho lòng tin hoàn toàn biến mất. Không chỉ vậy, hành vi nói dối lặp lại thường xuyên sẽ trở thành một thói quen xấu, gây ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách của con người. Rộng hơn, l ời nói dối còn ảnh hưởng đến sự phát triển của một quốc gia, dân tộc. Có đôi khi, những lời nói dối thiện chí cũng đem lại ý nghĩa tốt đẹp. Nhưng dù vậy, chúng ta cũng không nên nói dối.
Với một học sinh, tôi vẫn luôn ý thức rèn luyện đức tính trung thực trong học tập, nhất là trong thi cử (không quay cóp, chép bài bạn) và trong cuộc sống. Không chỉ vậy, tôi sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Có thể khẳng định rằng, nói dối là một thói quen xấu xí. Con người cần tôn trọng sự thật, không nên nói dối để cuộc sống của bản thân tốt đẹp hơn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại) Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 8 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.