Bạn đang xem bài viết Thời của nữ CEO đã đến: 3 bóng hồng quyền lực nhất giới công nghệ Trung Quốc tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Có người là học trò ruột 20 năm của Jack Ma, có người lên chức CEO chỉ sau 5 năm gia nhập công ty.
Ở nơi công sở, càng lên các cấp cao thì tỉ lệ nữ giới càng thấp. Ngày nay, khuôn mẫu này đang bị phá vỡ dần. Trong giới công nghệ ở Trung Quốc, có không ít những ‘bóng hồng’ đang nắm giữ các chức vụ lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn lớn nhất nhì quốc gia này, mặc dù khá kín tiếng trước truyền thông.
CEO Taobao Tmall: Trudy Dai (Dai Shan, Đới San)
Tháng 2 năm 1992 tại một căn phòng ở Hàng Châu, nhóm 18 người trẻ đầy nhiệt huyết đang tập trung lắng nghe Jack Ma trịnh trọng tuyên bố thành lập công ty Alibaba. Trong số đó có một cô gái trẻ tốt nghiệp học viện Công nghệ Điện tử Hàng Châu, đó chính là Trudy Dai, người được mệnh danh là một trong ‘thập bát La Hán của Alibaba’. Cô là người học trò 20 năm của tỉ phú Jack Ma.
Xuất phát điểm của Trudy Dai trong Alibaba chỉ là một nhân viên phục vụ khách hàng cấp thấp, phải luôn chân luôn tay trả lời tin nhắn của khách từ sáng đến tối. Sau đó, khi công ty trở nên lớn mạnh, công việc của Trudy Dai cũng có nhiều thăng tiến. Từ một nhân viên không tên tuổi, cô đi lên làm trong bộ phận bán hàng, lãnh đạo đội ngũ tại thị trường Trung Quốc, từng quản lý cả mảng quốc tế cho đến tận năm 2007 khi nền tảng Alibaba B2B ra đời.
Có thể nói, trong những ngày đầu của Alibaba, đúng là ‘ở đâu cần, ở đó có Trudy’. Cô chia sẻ: ‘Công ty bảo tôi bán hàng thì tôi bán, bảo tôi làm dịch vụ khách hàng thì tôi làm. Tôi chẳng hề suy nghĩ nhiều mà luôn sẵn sàng làm mọi việc một cách vui vẻ.’
Từ năm 2008, Trudy Dai chuyển từ vị trí tổng giám đốc Alibaba Quảng Châu sang Taobao để quản lý nhân sự. Trong giai đoạn đó, Trudy Dai luôn có một bộ phương pháp đặc biệt giúp nhân viên xác định mục tiêu, ý nghĩa công việc và ước mơ, từ đó nâng cao tinh thần của cả công ty.
Nhiều năm sau, Trudy Dai quay lại với mảng B2B, dẫn dắt đội nhóm đạt tăng trưởng doanh thu hai con số chỉ trong vòng 2 năm, giúp Alibaba ổn định chỗ đứng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Vào tháng 3 năm 2023 vừa qua, Alibaba đã tiến hành cuộc thay đổi cơ cấu quan trọng nhất trong 24 năm lịch sử: thành lập 6 mảng kinh doanh chủ chốt bao gồm điện toán đám mây, Taobao Tmall, Local Life, vận chuyển Cainiao, D-commerce và giải trí, cùng các công ty nhỏ hơn xoay quanh. Trong đó, Trudy Dai được lên làm CEO của Taobao Tmall – mảng đóng góp 70% doanh thu của Alibaba. Điều này cho thấy tập đoàn tin tưởng nữ quản lý tài năng này như thế nào.
CEO JD: Sandy Xu (Xu Ran, Hứa Nhiễm)
Vừa qua, JD – công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Trung Quốc chỉ sau Alibaba – đã bổ nhiệm nữ CEO đầu tiên trong lịch sử là Sandy Xu. Đây sẽ là người điều phối các hoạt động kinh doanh của tập đoàn, báo cáo trực tiếp cho chủ tịch Liu Qiangdong.
Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, Sandy Xu vào làm ở PwC, tích lũy 20 năm kinh nghiệm ở mảng TMT và thị trường vốn Hoa Kỳ. Mãi đến năm 2018, cô mới gia nhập JD với vai trò phó chủ tịch phụ trách tài chính. Kể từ ấy, cô đã tiến hành và tham gia vào tất cả các thương vụ mua bán, sáp nhập, tái cơ cấu và niêm yết của JD.com. Chỉ trong vòng 5 năm ngắn ngủi kể từ khi gia nhập JD, Sandy Xu đã được đảm nhận vị trí CEO. Cựu CEO JD Xu Lei đã dành rất nhiều lời tán dương cho vị nữ CEO mới nhậm chức này.
CEO Douyin Kelly Zhang (Zhang Nan, Trương Nam)
Kể từ khi ra đời, Douyin đã khuấy đảo thế giới Internet với tốc độ nhanh chưa từng có. Phiên bản nước ngoài của nền tảng này là TikTok cũng ‘càn quét’ khắp thế giới mạnh mẽ không kém. Hiện nay, người lãnh đạo các hoạt động chính của gã khổng lồ này chính là một nữ CEO.
Cũng giống như các nữ CEO khác, Kelly Zhang rất kín tiếng và không có nhiều thông tin trên mạng. Chỉ biết, Kelly Zhang xuất thân là một doanh nhân. Sau khi công ty của cô được Zhang Yiming (Trương Nhất Minh) – CEO của ByteDance mua lại vào năm 2013, cô gia nhập Toutiao – một nền tảng nội dung của ByteDance.
Năm 2015, trong một quán rượu ở Okinawa, Zhang Yiming đã cùng một nhóm hơn chục người tán gẫu về một đoạn video ngắn đang hot lúc bấy giờ và thấy đây là một thị trường không thể bỏ qua. Đầu năm 2016, Zhang Yiming lại thảo luận chủ đề này với Kelly Zhang và các cộng sự khác. Trong suốt nhiều tháng vùi đầu nghiên cứu, họ đã chính thức cho ra đời Douyin vào tháng 9 năm 2016. Chỉ 17 tháng sau khi ra mắt, lượng người dùng hoạt động hàng ngày đã vượt qua con số 100 triệu, đưa Douyin trở thành sản phẩm phát triển nhanh nhất trên Internet di động Trung Quốc sau WeChat.
Năm 2018, Kelly Zhang trở thành nữ CEO đầu tiên của Douyin. Hai năm sau, cô được thăng chức làm CEO ByteDance Bắc Kinh, chính thức phụ trách hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và trở thành nữ tướng được Zhang Yiming tin tưởng nhất.
Ngoài Kelly Zhang, tập đoàn này mới đây cũng có thêm một nữ cường khác là Wei Wenwen (Ngụy Văn Văn) – chủ tịch thương mại điện tử Douyin – chịu trách nhiệm kinh doanh thị trường Trung Quốc.
Dường như trong giới công nghệ Trung Quốc, thời đại của các nữ CEO đã tới với nhiều câu chuyện vô cùng truyền cảm hứng. Nhìn lại sự nghiệp đáng nể của họ, khó có thể đúc kết ra một quy luật rõ ràng. Có người đồng hành cùng công ty từ thủa sơ khai, không nề hà những công việc cơ bản nhất, có người tích lũy kinh nghiệm bên ngoài nhiều năm rồi nhanh chóng đạt đến vị trí cao ở công ty mới. Nhưng dù theo cách nào, họ vẫn phải luôn dũng cảm và nỗ lực, không chỉ để phá vỡ định kiến mà còn thích nghi với những biến động khắc nghiệt của thương trường.
Tham khảo từ: Net Ease
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Thời của nữ CEO đã đến: 3 bóng hồng quyền lực nhất giới công nghệ Trung Quốc tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/thoi-cua-nu-ceo-da-den-3-bong-hong-quyen-luc-nhat-gioi-cong-nghe-trung-quoc-176230607180427816.chn