Bạn đang xem bài viết Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 9 trang 119 sách Chân trời sáng tạo tập 1 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng Chân trời sáng tạo là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho học sinh tham khảo khi tìm hiểu về tác phẩm.
Blogdoanhnghiep.edu.vn sẽ cung cấp bài Soạn văn 9: Kể một câu chuyện tưởng tượng giúp chuẩn bị bài nhanh chóng và đầy đủ. Hãy cùng tham khảo ngay sau đây.
Nói và nghe: Kể một câu chuyện tưởng tượng
Bước 1: Chuẩn bị bài nói (kể chuyện)
Chọn kể câu chuyện tưởng tượng theo một trong hai dạng đề tài sau:
– Dạng thứ nhất: Kể một câu chuyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng của em.
Với dạng này, cần lưu ý:
- Một câu chuyện dù tưởng tượng bay bổng, mới lạ thế nào thì cũng phải có ba yếu tố: bối cảnh, nhân vật, cốt truyện.
- Bối cảnh là không gian, thời gian diễn ra câu chuyện.
- Nhân vật có thể là người, thần tiên, ma, quỷ, loài vật, cây cối, đồ vật,…, một câu chuyện cần có nhân vật chính và một vài nhân vật phụ.
- Cốt truyện là chuỗi sự kiện, hành động của nhân vật có quan hệ với nhau theo quan hệ nhân quả hoặc nối tiếp. Khi cần, có thể sử dụng yếu tố kì ảo một cách hợp lí, nhất là khi em định kể một câu chuyện huyền ảo như các truyện truyền kì đã học.
– Dạng thứ hai: Kể một câu chuyện phỏng theo truyện đã đọc.
- Với dạng này, truyện đã có sẵn bối cảnh, nhân vật, cốt truyện. Em sử dụng trí tưởng tượng của mình để thay đổi, bổ sung một, hai hoặc cả ba yếu tố như bối cảnh, nhân vật, cốt truyện tức là “cải biên” để có một câu chuyện mới.
- Xác định mục đích, thời gian, không gian nói, đối tượng người nghe để có cách kể phù hợp.
Bước 2: Luyện tập, trình bày
Lưu ý:
– Lời kể phải tự nhiên, ngữ điệu phù hợp với văn nói và kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong khi kể để câu chuyện được truyền cảm, hấp dẫn.
– Có thể tự quay một đoạn phim về cách kể chuyện của bản thân để xem lại và điều chỉnh.
Bước 3: Trao đổi, đánh giá
Sau khi kể chuyện, dùng bảng kiểm sau để tự đánh giá kĩ năng kể chuyện của mình và kĩ năng kể chuyện của bạn.
Gợi ý:
(1) Mở đầu: Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là…, học sinh lớp…. Sau đây, tôi sẽ trình bày về vấn đề….
(2) Nội dung chính:
Tôi tên là Xi-mông, một đứa trẻ không có bố. Dù được sống trong tình yêu thương của mẹ nhưng tôi vẫn cảm thấy tủi thân mỗi khi bị bạn bè trêu chọc. Hôm ấy, sau buổi học tôi lang thang ra bờ sông. Trời ấm áp và dễ chịu vô cùng. Tôi thèm cái cảm giác được nằm ngủ ở trên mặt cỏ dưới nắng ấm. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi lại nghĩ đến nhà rồi nghĩ đến mẹ và thấy buồn vô cùng. Tôi run lên, quỳ xuống đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ. Nhưng tôi chẳng đọc được gì mà chỉ biết nức nở. Bỗng nhiên có một bàn tay chắc nịch đặt lên vai tôi, một giọng nói ồm ồm vang lên:
– Có điều gì khiến cháu buồn phiền vậy?
Tôi quay lại thì nhìn thấy một bác công nhân cao lớn đang đứng trước mặt mình. Râu tóc đen, quăn đang nhìn tôi với vẻ nhân hậu. Tôi nhìn bác bằng đôi mắt đẫm lệ, rồi trả lời:
– Chúng nó… đánh cháu… vì… cháu… không… có bố!
Bác mỉm cười và hỏi lại tôi:
– Sao thế? Ai mà chẳng có bố!
Tôi lại nói tiếp:
– Cháu… cháu không có bố!
Bác công nhân nghiêm mặt lại nhìn tôi, hình như bác nhận ra tôi là con của ai. Bác nói:
– Thôi nào, đừng buồn nữa. Về nhà mẹ với bác. Rồi cháu sẽ có một ông bố!
Tôi ngạc nhiên lắm. Nhưng vẫn đứng dậy đi cùng với bác. Bác nắm lấy tay tôi dắt đi trên con đường. Thỉnh thoảng, bác lại nhìn tôi mỉm cười. Chẳng mấy chốc mà về đến nhà. Tôi chỉ vào ngôi nhà trước mắt rồi nói với bác:
– Đây rồi!
Xong đó, tôi cất tiếng gọi to:
– Mẹ ơi!
Mẹ tôi xuất hiện. Bác công nhân nhìn mẹ tôi. Khi nhìn vào đôi mắt của bác, tôi cảm thấy có một cái gì đó rất nghiêm trang mà bản thân không thể hiểu. Bác bỏ mũ ra cầm ở tay, giọng bác ấp úng:
– Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé bị lạc ở gần bờ sông.
Nghe vậy, tôi nhảy lên ôm lấy cổ mẹ rồi òa khóc và bảo:
– Không mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết rồi, vì chúng nó đánh con… đánh con… tại con không có bố.
Mẹ tôi ôm lấy tôi và hôn lấy hôn để trong khi khuôn mặt đầy nước mắt. Chắc mẹ tôi đã đau lòng lắm khi nghe tôi nói vậy. Tôi nhảy xuống khỏi mẹ, chạy đến bên bác công nhân rồi hỏi:
– Bác có muốn làm bố cháu không ạ?
Im lặng như tờ. Tôi ngạc nhiên khi thấy mẹ tôi dựa vào tường, hai tay ôm ngực. Tôi hỏi lại:
– Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông chết đuối.
Bác công nhân cười với tôi rồi trả lời:
– Có chứ, bác muốn chứ.
– Thế bác tên là gì để cháu trả lời khi chúng nó muốn biết tên bác? – Tôi mỉm cười nhìn bác.
– Phi-líp!
Tôi im lặng đi một giây, cố ghi nhớ cái tên ấy. Không còn buồn nữa, tôi vươn hai cánh tay nói tiếp:
– Thế nhé! Bác Phi-líp sẽ trở thành bố cháu.
Bỗng nhiên, bác công nhân bế bổng tôi lên, đột ngột hôn vào hai má của tôi làm tôi cảm thấy buồn buồn. Rồi bác bước đi rất nhanh.
Ngày hôm sau, khi đến trường, tôi nghe thấy một tiếng cười ác ý vang lên. Tan học, khi lũ bạn lại muốn trêu chọc tôi liền quát thẳng vào mặt chúng:
– Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi-líp!
Xung quanh tôi bật lên những tiếng la hét thích thú:
– Phi-líp gì? Phi-líp nào? Phi-líp là cái gì? Mày lấy đâu ra Phi-líp của mày thế?
Tôi không nói gì nữa. Tôi đưa con mắt thách thức nhìn chúng, sẵn sàng chịu hành hạ còn hơn là cúi đầu bỏ chạy. Mặc cho những tiếng giễu cợt xung quanh, tôi vẫn đứng đó. Chỉ đến khi thầy giáo đến, lũ bạn mới thôi hò hét, còn tôi thì được trở về nhà.
(3) Kết thúc: Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của thầy cô và các bạn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 9 trang 119 sách Chân trời sáng tạo tập 1 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.