Bạn đang xem bài viết Soạn bài Gió lạnh đầu mùa Cánh diều Ngữ văn lớp 8 trang 19 sách Cánh diều tập 1 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam sẽ được tìm hiểu trong chương trình học môn Ngữ văn lớp 8.
Blogdoanhnghiep.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 8: Gió lạnh đầu mùa. Mời các bạn học sinh cùng tham khảo ngay sau đây.
Sơ đồ tư duy Tôi đi học
Soạn bài Gió lạnh đầu mùa
1. Chuẩn bị
– Thông tin về nhà văn Thạch Lam:
- Thạch Lam (1910 – 1942), tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân), sinh tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại.
- Ông là em ruột của Nhất Linh và Hoàng Đạo, cả ba đều là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn.
- Khi còn nhỏ, Thạch Lan sống ở quê là phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Sau đó, ông theo cha chuyển sang tỉnh Thái Bình.
- Ông học ở Hà Nội, sau khi thi đỗ tú tài phần thứ nhất thì ra làm báo viết văn.
- Thạch Lam thường viết “những truyện không có chuyện”, chủ yếu là khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày.
- Văn của ông trong sáng, giản dị mà thâm trầm sâu lắng.
- Một số tác phẩm: Truyện ngắn: Gió lạnh đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942); Tiểu thuyết: Ngày mới (1939); Tùy bút: Hà Nội băm sáu phố phường (1943)…
– Chất thơ được thể hiện qua việc nhà văn khắc họa tinh tế những diễn biến tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trong truyện; hình ảnh trong sáng, giàu biểu cảm…
– Em đã từng cho hoặc tặng bạn một món quà mà không hỏi ý kiến cha mẹ. Khi đó, một bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn, em đã dùng số tiền tiết kiệm của mình để mua tặng bạn một số món đồ dùng học tập như sách vở, hộp bút… Khi bố mẹ phát hiện ra thì đã khen ngợi em có lòng tốt giúp đỡ bạn bè, nhưng vẫn nhắc nhở em rằng khi làm việc gì cần phải trao đổi và xin phép bố mẹ.
2. Đọc hiểu
Câu 1. Những chi tiết nào cho thấy trời rất lạnh?
Những chi tiết cho thấy trời rất lạnh:
- Qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt.
- Mọi người đều đã mặc áo rét.
- Đất khô trắng, cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo.
- Trời không u ám, toàn một màu trắng đục.
- Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét.
Câu 2. Thử hình dung dáng điệu, tâm trạng của Sơn khi đi chơi.
Dáng điệu, tâm trạng của Sơn khi được đi chơi: Mặc quần áo ấm, vui vẻ và háo hức đi chơi.
Câu 3. Tại sao lũ trẻ thấy chị em Sơn thì tỏ ra vui mừng nhưng không dám vồ vập?
Lũ trẻ thấy chị em Sơn thì tỏ ra vui mừng nhưng không dám vồ vập vì: Sơn và Lan là bạn đồng trang lứa, luôn tỏ ra gần gũi và thân thiết nên chúng vui mừng khi có người chơi cùng. Nhưng chúng lại ý thức được thân phận nghèo khổ, sự khác biệt với Sơn và Lan nên không dám vồ vập.
Câu 4. Các câu thoại ở đâu cho thấy thái độ gì của bọn trẻ?
Các câu thoại cho thấy sự tò mò, ngạc nhiên của bọn trẻ.
Câu 5. Tại sao Sơn thấy “ấm áp vui vui”?
Sơn thấy “ấm áp vui vui” vì đã làm được một việc tốt, giúp lan tỏa tình yêu thương.
Câu 6. Tâm trạng lo sợ của hai chị em Sơn được thể hiện qua những chi tiết nào?
– Bỏ cả bữa ăn.
– Chạy đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo.
- Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp.
- Lan trách em nghĩ ra việc cho Hiên cái áo.
Câu 7. Vì sao chị em Sơn cho cái áo ấy lại có thể bị mẹ mắng?
Chị em Sơn cho cái áo ấy lại có thể bị mẹ mắng vì cả hai chưa xin phép mẹ.
Câu 8. Câu nói của mẹ Hiên thể hiện điều gì?
Câu nói của mẹ Hiên thể hiện bà là một người hiểu chuyện, có lòng tự trọng. Dù có hoàn cảnh nghèo khó nhưng khi nghe con kể, bà vẫn mang trả lại chiếc áo.
Câu 9. Kết thúc truyện có gì bất ngờ?
Mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên vay tiền để may áo cho con. Còn Sơn và Lan không bị mẹ trách mắng.
3. Trả lời câu hỏi
Câu 1. Hãy tóm tắt nội dung chính của truyện Gió lạnh đầu mùa. Xét về cốt truyện, văn bản Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) và Tôi đi học (Thanh Tịnh) có gì giống nhau?
– Tóm tắt: Buổi sáng hôm nay, khi thức dậy, Sơn cảm nhận rõ cái rét của mùa đông đã đến. Chị và mẹ của Sơn đều đã dậy, ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mọi người đều đã mặc áo ấm cả. Sơn được mẹ cho mặc một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sau đó, hai chị em chạy ra chợ chơi cùng với lũ trẻ con trong làng. Chúng đều là những đứa trẻ nhà nghèo không có áo ấm để mặc. Khi nhìn thấy chị em Sơn với những chiếc áo ấm thì liền đến gần xuýt xoa khen ngợi. Hiên là một cô bé nhà nghèo, không có áo ấm để mặc. Sơn nhìn thấy động lòng thường, bàn với chị về nhà lấy chiếc áo bông cũ đem cho Hiên. Nghe người vú già nói, hai chị em lo sợ mẹ biết được, định sang nhà Hiên đòi áo nhưng không thấy đâu. Khi về nhà thì liền thấy mẹ Hiên đang ngồi nói chuyện với mẹ mình. Mẹ Sơn thấy nhà Hiên nghèo khổ bèn cho mẹ Hiên mượn năm hào may áo ấm cho con.
– Điểm giống nhau: cốt truyện đơn giản, kể lại những sự việc trong cuộc sống, thể hiện cảm xúc và tâm trạng của nhân vật.
Câu 2. Những chi tiết nào trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông? Bối cảnh ấy cho em biết gì về cuộc sống được miêu tả trong truyện?
– Hoàn cảnh của những đứa trẻ ở chợ: chúng ăn mặc không khác gì ngày thường, những bộ quần áo màu nâu bạc đã vá nhiều chỗ; môi thâm tím lại, da thịt thâm đi; mỗi cơn gió đến là lại run lên…
– Cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn của những gia đình lao động nơi miền quê nghèo.
Câu 3. Phân tích diễn biến tâm trạng của Sơn trước và sau khi cho chiếc áo. Chi tiết nào làm em chú ý và xúc động nhất? Vì sao?
– Trước khi cho áo: động lòng thương trước hoàn cảnh của Hiên, nhớ về em Duyên ngày trước vẫn hay chơi đùa cùng Hiên
– Sau khi cho áo: ấm áp vui vui
– Chi tiết xúc động nhất là khi biết Hiên chỉ có mỗi một chiếc áo để mặc, Sơn nói với chị rằng sẽ đem chiếc áo bông cũ cho Hiên. Chị Lan đồng ý, chạy về nhà đem áo đến. Vì chi tiết này thể hiện được tấm lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương của Sơn và Lan.
Câu 4. Nhận xét về thái độ và cách ứng xử của hai bà mẹ (mẹ Sơn và mẹ Hiền) trong phần cuối của truyện. Theo em, vì sao mẹ Sơn lại không hài lòng khi chị em Sơn cho Hiến chiếc áo bông ấy?
– Mẹ Hiên: mang chiếc áo đến trả
– Mẹ Sơn: hỏi thăm, cho mẹ Hiên mượn 5 hào để may áo cho con.
=> Chiếc áo là kỉ vật của em Duyên, không chỉ vậy Sơn và Lan cũng tự ý quyết định mà không hỏi ý kiến mẹ.
Câu 5. Có người cho rằng, truyện Gió lạnh đầu mùa chỉ có ý nghĩa đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ. Em có đồng ý không? Vì sao? Theo em, truyện ngắn này có ý nghĩa như thế nào?
- Ý kiến: không đồng tình
- Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa còn truyền tải thông điệp về tình yêu thương giữa những con người, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Câu 6. Vẻ đẹp của truyện Gió lạnh đầu mùa không chỉ hiện lên qua hình thức (câu chữ, hình ảnh,…) mà còn ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Hãy viết đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) làm rõ nhận xét đó.
Gợi ý:
Khi đọc truyện Gió lạnh đầu mùa, người đọc không chỉ ấn tượng với vẻ đẹp được hiện lên qua hình thức (câu chữ, hình ảnh,…) mà còn ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Điều đó được thể hiện cụ thể qua hai nhân vật Sơn và Lan. Cả hai đều là những đứa trẻ ngây thơ, lương thiện. Dù sống trong một gia đình khá giả, nhưng Sơn và Lan luôn tỏ ra thân thiện và chơi cùng với bọn trẻ con trong xóm – Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc – những đứa trẻ em nghèo ở xóm trợ. Khi nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”, Sơn đã “động lòng thương” và chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Lan và Sơn đã bàn với nhau cho cái Hiên chiếc áo bông cũ. Sau đó, Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Sơn yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Cái áo cũ mà chị em Sơn đem cho cái Hiên chứa đựng biết bao tình người, thể hiện tình cảm san sẻ của một đứa trẻ có một trái tim giàu tình yêu thương. Hành động của chị em Sơn tuy nhỏ bé nhưng lại thật cao cả, đáng quý. Chính nhân vật người mẹ của Sơn và Lan cũng thể hiện được điều đó. Mẹ Sơn sau khi nghe rõ việc, đã cho mẹ Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Còn với hai chị em Sơn, bà chẳng những không tức giận mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Điều đó cho thấy mẹ Sơn cũng là một người phụ nữ nhân hậu, giàu lòng vị tha và yêu thương. Như vậy, có thể thấy, truyện Gió lạnh đầu mùa là một tác phẩm giàu giá trị và thật đẹp đẽ.
Xem thêm: Đoạn văn làm rõ nhận xét Vẻ đẹp của truyện Gió lạnh đầu mùa
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Gió lạnh đầu mùa Cánh diều Ngữ văn lớp 8 trang 19 sách Cánh diều tập 1 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.