Bạn đang xem bài viết Phân tích truyện ngắn Cơm mùi khói bếp của Hoàng Công Danh Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Phân tích tác phẩm Cơm mùi khói bếp của Hoàng Công Danh mang đến bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo để biết cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10.
Truyện ngắn Cơm mùi khói bếp ca ngợi tấm lòng của những người mẹ quê luôn yêu thương con bằng một tình yêu chân chất, mộc mạc mà sâu sắc. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm này mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu dưới đây. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: phân tích truyện Mua nhà, phân tích Chữ người tử tù.
Phân tích Cơm mùi khói bếp
Bánh xe thời gian vô tình cứ thế lăn mãi trên con đường đời của mỗi người, chẳng mấy chốc đã cuốn ta đi vào vòng quay nghiệt ngã của số phận với nỗi lo cơm áo gạo tiền vần xoay. Những ngày xưa với căn bếp củi nghi ngút khói mỗi sớm mai thức dậy, với tô nước cơm đầy ắp ngọt ngào, thơm thảo dần dần lùi sâu vào kí ức lúc nào không hay biết. Trong nỗi trăn trở của những ngày tháng tập làm người lớn ấy, tôi vẫn hoài mong nhớ làn khói bếp lam chiều từ đống củi khô được phơi cất kĩ lưỡng của mẹ, từ mớ trấu trộn tro bếp in hằn nơi kí ức đã cuốn sâu vào tâm trí, như phần ruột thịt của cuộc đời đã sống mãi trong tôi. Đọc truyện ngắn “Cơm mùi khói bếp” của Hoàng Công Danh, dường như có một làn khói của quá khứ đang len lỏi trong từng câu chữ qua dáng hình người mẹ mộc mạc, chân chất và hết lòng yêu thương con mình – một người mẹ bình dị, dậy thật sớm nấu từng bữa cơm, lo lắng cho từng miếng ăn của con, nhắn gửi cho mỗi người đọc một thông điệp sâu sắc: “Không ai thương bằng cơm thương” và không ai thương con bằng mẹ.
Bất kì điều gì trong cuộc đời đều có thể đi vào quên lãng theo sự chảy trôi vô tình của thời gian, nhưng lạ kì thay, người nghệ sĩ qua những trang văn đã luôn chọn thực hiện sứ mệnh kì diệu của mình bằng hành trình lưu giữ kí ức trong đời sống của con người vào từng câu chữ, để rồi khi ngẫm nghĩ về tác phẩm, ta lại thấy hiện lên một cuộc tái sinh của từng điều đẹp đẽ trong quá khứ, hóa cánh chim trời dang đôi cánh rộng để chao liệng trong những góc trời thân thương. Là một cây bút trẻ tiêu biểu của văn học Việt Nam, truyện ngắn của Hoàng Công Danh thường đi vào phản ánh những còn – mất, được – thua của con người trong xã hội hiện đại xô bồ, vội vã bằng một lối văn phong giản dị, tự nhiên, đi thẳng vào lòng người. Tiêu biểu là truyện ngắn “Cơm mùi khói bếp” in trong tập truyện “Chuyến tàu vé ngắn”.
Truyện ngắn “Cơm mùi khói bếp” sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ ba, kết hợp giữa điểm nhìn trần thuật bên trong và điểm nhìn bên ngoài. Cốt truyện đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa: Từ ngày lấy vợ, đã bốn năm, nay anh con trai mới đưa gia đình về quê ăn tết với mẹ già. Người mẹ rất vui mừng vì được sum vầy với các con. Sáng nào bà cũng dậy sớm để nấu cơm bếp rơm cho các con ăn, nhưng vì ở thành phố ăn bún, ăn phở quen rồi nên gia đình người con trai không ai nuốt nổi. Bà mẹ thì vì lo lắng cho các con, nên mỗi buổi sáng vẫn dậy nấu cơm. Người con trai đưa gia đình trở lại Sài Gòn được ít lâu thì nghe tin mẹ ốm, anh vội trở về. Được ít hôm thì mẹ mất. Khi mẹ không còn nữa, anh mới thấy tiếc nuối, ân hận, vì từ nay sẽ không còn được ăn cơm mẹ nấu.
Tác giả đã khắc họa chân dung người mẹ trong thiên truyện luôn gắn liền với hình ảnh bếp lửa, nơi bà nhóm lên những nồi cơm mộc mạc, đơn sơ nhưng chứa đựng tất cả tấm lòng yêu thương con sâu sắc. Ngay từ những dòng đầu của truyện, Hoàng Công Danh đã khéo léo xây dựng hình ảnh người mẹ “ngoài sáu mươi” rất vui mừng, “đon đả” đón con về quê, dáng hình mẹ “chạy ra tận ngõ đón” dù “lưng bà đã bắt đầu cong hình đòn gánh” khiến ta thêm bùi ngùi xúc động. Kì thực, mẹ vẫn luôn như thế! Vẫn luôn tần tảo, lam lũ và hết lòng yêu thương những đứa con mình mang nặng đẻ đau rồi nuôi dưỡng lớn khôn thành người: “Tay phải bà cắp bồng đứa cháu nội, tay trái vẫn chèo móc thêm một túi xách”. Một đời người mẹ nặng gánh lo toan, gánh vác gia đình từ những công việc đồng áng, nhà cửa đến tình yêu thương dành cho con cái đã hiện diện rõ nét chỉ trong những dòng miêu tả ngắn của tác giả.
Người mẹ với đôi tay đã quen với việc nhóm lửa, nấu cơm, không ngại khó, không quản mệt nhọc, luôn sẵn lòng chăm sóc, quan tâm con cái từ những điều nhỏ nhất. Khi vừa đặt xong đồ đạc vào góc nhà, bà đã lập tức muốn nấu cơm cho con ăn, muốn con được no để xua tan đi những mệt nhọc của chặng đường dài vất vả: “Chắc bây đói bụng rồi, để mẹ đi nấu cơm cho ăn.” Trong suy nghĩ của bà, nấu cơm cho con ăn cũng chính là cách yêu thương bà dành cho con, là sự chăm sóc, sự quan tâm ân cần ấm áp qua từng hạt cơm thơm dẻo, từng món ăn tròn vị quê nhà. Qua đó, hình ảnh những bữa cơm vương mùi khói bếp trong truyện không chỉ là một hình ảnh hiện thực của cuộc sống nông thôn mà còn là biểu tượng của tình mẹ. Những bữa cơm được nấu trên bếp rơm, bốc khói ngùn ngụt làm đứa cháu nhỏ tưởng rằng cháy nhà, nhưng với người mẹ, đó là niềm vui, là sự hài lòng, hạnh phúc khi được nấu cho con ăn. Bà cười nói: “Tụi bây ăn cơm nồi cơm điện thành phố quen rồi, về quê mẹ nấu cơm lửa rơm cho thơm mùi đồng mùi rạ.” Đối với bà, nấu cơm không chỉ là hành động phục vụ cho nhu cầu vật chất, mà còn là cách kết nối giữa con cái với cội nguồn, với quê hương và những giá trị truyền thống. Mùi đồng mùi rạ ấy đã đi cùng tuổi thơ của mỗi người con thôn quê, cùng ta lớn lên, chở che ta qua những buổi chiều tàn, qua từng đêm giá rét, qua xuân – hạ – thu – đông đều nguyên vẹn niềm hạnh phúc khi ta còn có mẹ, có mái rạ đống rơm mẹ chất đầy, có bếp củi đỏ hồng rực rỡ mẹ nhen nhóm sưởi ấm bàn tay con.
Khói bếp ấy còn là cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình, gợi nhắc về những ngày tháng khi người con trai còn nhỏ, thích ăn cơm cháy mẹ nấu. Hình ảnh cơm cháy giòn tan, thơm mùi khói bếp trở thành ký ức ngọt ngào, đầy ắp tình yêu thương của người mẹ. Bà vẫn luôn ghi nhớ con thích ăn gì, nhớ kỉ niệm lúc nhỏ của con mình: “Cơm nấu rơm mới có miếng cháy ăn giòn. Mấy hồi anh nhỏ, bữa ăn không có miếng cơm cháy là giãy nảy lên bướng bỉnh chẳng chịu ăn”. Sự đối lập trong thiên truyện khiến ta có phần xót xa cho những giá trị bị lãng quên giữa dòng chảy cuộc sống, khi người mẹ vẫn mang theo những yêu thương và hình ảnh con trong tâm trí; còn người con khi lớn lên, trưởng thành và xa quê đã dần lãng quên những điều mộc mạc, bình dị nơi bếp lửa thân thương quê nhà, chỉ còn sự thay thế của những tiện nghi hiện đại nơi cuộc sống thành thị xa hoa. Bữa cơm mẹ nấu dường như trở thành điều xa xỉ trong nhịp sống vội vã của thời hiện đại, điều này được tác giả thể hiện đầy tinh tế qua hình ảnh bún, cháo, những món ăn hàng quán được xuất hiện nhiều lần song song với mỗi bữa cơm mẹ nấu. Thế nhưng, với người mẹ, bà vẫn kiên nhẫn, vẫn giữ nguyên thói quen nấu cơm bếp rơm, như giữ chặt lấy một phần kí ức, một phần của tình thương yêu vô hạn.
Tình yêu thương của người mẹ còn được thể hiện qua sự bao dung, độ lượng, bởi người mẹ không hề trách móc con cháu khi họ không ăn hết cơm, không thích món ăn bà nấu. Bà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, giải thích cho họ hiểu tầm quan trọng của bữa ăn, của việc ăn uống điều độ. Dù con dâu có bảo rằng: “Mẹ bày ra nấu bữa sáng làm gì cho cực. Chúng con ra quán ăn miếng là rồi việc”, bà vẫn nhất mực cho rằng: “Ăn uống phải đàng hoàng chớ. Bữa sáng là quan trọng lắm. Không ai thương bằng cơm thương đâu con.” Những lời nói chứa đầy sự yêu thương nhưng cũng chính là kinh nghiệm quý giá của mẹ khi đi hơn nửa cuộc đời, bởi từng hạt ngọc trời thơm thảo, từng chén cơm đầy ấy đã nuôi lớn những đứa con của mẹ, đã gắn kết sự sống của con người với cuộc đời phong phú, nhiều sắc màu mà mỗi người đang nhìn ngắm và khám phá. Với bà, tình thương không thể thay thế bằng những bữa ăn vội vã ở quán xá, mà phải là những bữa cơm do chính tay bà nấu, bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ. Nơi trang sách của Đặng Nguyễn Đông Vy, ta cũng từng bắt gặp một nỗi nhớ tràn đầy: “Nhớ nhất là những buổi sáng cuối năm. Gió ngoài vườn thổi u u lạnh lẽo, trời còn tối đen, nhưng mẹ vẫn dậy sớm xuống bếp nhóm lửa. Lũ trẻ con nằm ngủ say trong chăn ấm, hễ nghe tiếng mẹ thổi lửa là bật dậy. Tiếng thổi lửa đặc biệt lắm, chỉ là một làn hơi dài đi qua cái ống nhỏ, một tiếng “phù” đùng đục, tròn trịa và rất nhẹ, nhưng luôn là âm thanh đánh thức lũ trẻ mỗi sáng. Chúng nhẹ nhàng chui ra khỏi chăn, xỏ chân vào dép và đi xuống bếp. Mùi khói toả ra thơm nồng nàn, làm ấm căn bếp nhỏ. Ánh lửa bập bùng soi mắt mẹ cười hiền: “Ăn sáng đi con!”. Ngồi thu mình bên bếp lửa ấm, ăn một chén cơm nóng chan nước mắm và mỡ đông. Vậy mà thấy ngon không tưởng nổi…”.
Người mẹ trong thiên truyện còn là hiện thân của những giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam – Người mẹ Việt Nam không chỉ là người nuôi dưỡng, chăm sóc con cái mà còn là người thầy đầu tiên dạy con những bài học về đạo đức, lối sống; là tấm gương sáng về đức hạnh, sự kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ và nuôi dạy con cái nên người. Bà yêu quê hương, yêu những gì thuộc về quê hương. Bà muốn con cháu cũng yêu quê hương như bà, trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc. Tình yêu quê hương của bà thể hiện qua việc bà luôn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống: Bà nấu cơm rơm, kho cá đồng, pha nước chanh vườn nhà. Bà muốn con cháu được thưởng thức những món ăn dân dã, được sống trong không khí quê hương ấm áp. Tình yêu quê hương của bà còn thể hiện qua việc bà luôn nhắc nhở con cháu về cội nguồn: Bà kể cho con cháu nghe về những kỷ niệm tuổi thơ, về những món ăn mà họ từng thích. Bà muốn con cháu luôn nhớ về quê hương, về nơi mình sinh ra và lớn lên.
Bên cạnh tình yêu thương, người mẹ còn là biểu tượng của sự hy sinh và tần tảo. Bà đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc cho gia đình, cho con cháu; không ngại khó khăn, vất vả, luôn cố gắng mang lại những điều tốt đẹp nhất cho những người thân yêu. Bà luôn đặt nhu cầu của con cháu lên trên nhu cầu của bản thân: Bà sẵn sàng thức khuya dậy sớm, lọ mọ nấu nướng để con cháu được ăn ngon, ăn no. Bà không quan tâm đến việc mình mệt mỏi, chỉ cần con cháu được vui vẻ, hạnh phúc. Sự hi sinh của người mẹ ấy còn được thể hiện rõ nét hơn qua việc bà cặm cụi chuẩn bị đồ ăn cho con mang đi Sài Gòn. Ngay cả khi con cái đã lớn, có gia đình riêng, bà vẫn lo lắng cho từng bữa ăn của con, không muốn con phải ăn cơm “dọc đường dọc sá”. Những quan tâm tỉ mỉ, chu đáo càng được bộc lộ mạnh mẽ qua lời dặn của người mẹ: “Vào trong nhớ ăn uống đàng hoàng nghe bây. Đừng bỏ bữa sáng. Không ai thương bằng cơm thương”. Đó là lời nhắc nhở thấm đẫm tình thương, như sợi dây vô hình kết nối giữa mẹ và con, dù khoảng cách địa lý có xa xôi đến đâu. Khi bà bị ốm, nằm không dậy được, gặp con, câu đầu tiên bà hỏi: “Con ăn chi chưa? Mẹ không bắc cơm được. Thôi ra đầu chợ ăn tạm. Bữa nào khỏe mẹ nấu cơm cho ăn. Tội nghiệp”. Vẫn là nỗi lo lắng về con, vẫn là niềm thương con, không hề nghĩ gì cho bản thân mình. Để rồi khi người mẹ không còn nữa, người con trai mới cảm nhận được sâu sắc sự mất mát; mới cảm nhận rõ ràng về những bỏ lỡ mà mình đã vô tình gây ra. Có lẽ, anh đã nhận ra mình quá vội vã, quá bàng quan và quá hời hợt trước tấm lòng và yêu thương của mẹ. Đứng trong căn nhà nhỏ bé thân quen trong tuổi thơ rồi xa lạ khi trưởng thành ấy, sự cô đơn và buồn tủi ập vây lấy trái tim anh; nơi góc tường cũ rêu phong ấy, dáng hình mẹ loay hoay củi lửa, “đon đả” chạy ra đón anh ngày nào giờ chỉ vĩnh viễn nằm lại nơi hoài niệm đẹp đẽ. Anh mất mẹ, mất đi những chén cơm trắng mẹ nấu, mất đi một mảnh tim máu mà không có huyền diệu nào có thể khứ hồi được nữa. Hình ảnh chén cơm trắng đặt trên bàn thờ mẹ trở thành biểu tượng của nỗi ân hận, tiếc nuối, những đớn đau xâm chiếm tâm hồn anh khi anh nhận ra rằng mình đã không còn cơ hội được ngồi bên mẹ, ăn cùng mẹ những bữa cơm đạm bạc nhưng đầy ắp tình thương một lần nào nữa. Sự tiếc nuối ấy không chỉ là nỗi buồn của việc mất đi một người thân yêu, mà còn là sự nuối tiếc vì đã không kịp nhận ra giá trị của những điều bình dị mà mẹ đã dành cho mình.
Cuối thiên truyện, hình ảnh anh tự mình vo gạo, nhóm bếp rơm để nấu chén cơm đặt lên bàn thờ mẹ là một hành động đầy ý nghĩa. Đó không chỉ là cách anh bày tỏ lòng hiếu thảo, mà còn là cách anh tìm lại những ký ức, những giá trị mà mẹ đã truyền lại qua từng bữa cơm. Mùi khói bếp, mùi cơm cháy thơm giòn như gợi lại những kỷ niệm ấm áp, những khoảnh khắc hạnh phúc đơn sơ nhưng vô cùng quý giá. Có thể nói, Hoàng Công Danh đã khéo léo vẽ nên bức tranh quê hương dung dị mà thấm đẫm tình người qua truyện ngắn “Cơm mùi khói bếp” bằng ngôn từ cô đọng, giản dị nhưng đầy ắp cảm xúc. Tác giả đã khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại và qua hành động; Xây dựng tình huống truyện độc đáo: chỉ qua một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhưng vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu thương chân chất của người mẹ quê đã được thể hiện rõ nét. Từ điểm nhìn bên ngoài, tác giả giúp cho người đọc nắm được mạch diễn biến của truyện, bối cảnh của truyện cũng như giúp người đọc hình dung khái quát về các nhân vật. Từ điểm nhìn bên trong mà tác giả thể hiện, người đọc được theo dõi và nắm bắt được mạch diễn biến tâm lí của nhân vật, trong đó nổi bật nhất là nhân vật người con trai: sự áy náy khi không ăn chén cơm mẹ nấu, nỗi ân hận khi từ nay không còn được ăn với mẹ chén cơm sáng thật đầy, không được nghe mẹ nói câu “không ai thương bằng cơm thương”, nỗi nhớ tiếc về miếng cơm cháy thơm ngon ngày xưa, bởi “Chỉ có mẹ mới nấu được miếng cơm cháy ngon như thế”. Trong bức tranh quê hương dung dị và đẹp đẽ ấy, hình ảnh người mẹ hiện lên thật đẹp, thật cảm động, gợi lên trong lòng người đọc những xúc cảm sâu lắng về tình mẫu tử thiêng liêng. Mùi khói bếp của mẹ mất đi để rồi tái sinh trong hình ảnh đứa con “Loay hoay một hồi. Bếp nhà đầy khói. Và khói…”. Dấu chấm lửng cuối truyện cùng kiểu câu đặc biệt khép lại thiên truyện nhưng lại mở ra những làn khói bếp tỏa lan, những làn khói sẽ không bao giờ tắt hẳn, mà đó là sự tiếp nối, lan tỏa những giá trị bình dị, thân thương từ bữa cơm yêu thương của gia đình, từ tình mẫu tử cao quý, sự sum vầy ấm áp trọn vẹn nơi những bữa ăn có đủ đầy thành viên. Tôi chợt nhớ đến “Giấc mơ màu khói” của Đặng Nguyễn Đông Vy với những dòng kết thúc: “Thế rồi, đến khi có bếp riêng, với đầy đủ những tiện nghi… không khói, thì lạ thay, thỉnh thoảng lại có người mơ về gian bếp quê nghèo nàn, chật chội, nhưng nồng ấm mùi rơm thơm trong làn khói lam chiều.” Những làn khói đã len lỏi sâu đậm trong tâm hồn mỗi người con như thế…
Qua hình tượng người mẹ gắn liền với bếp lửa mùi khói, với những bữa cơm đạm bạc nhưng đầy ắp tình yêu thương vô bờ bến, sự hi sinh thầm lặng và lòng kiên nhẫn vô điều kiện trong “Cơm mùi khói bếp”, Hoàng Công Danh đã gửi gắm một thông điệp sâu sắc về tình mẫu tử và tình yêu quê hương, cội nguồn luôn ngự trị trong sâu thẳm mỗi con người. Truyện ca ngợi tấm lòng của những người mẹ quê: luôn yêu thương con bằng một tình yêu chân chất, mộc mạc mà sâu sắc; cảnh tỉnh con người hiện đại về lối sống xô bồ, vô cảm, bỏ quên những điều tưởng chừng như bình dị nhưng lại vô cùng quý giá. Tác giả nhắc nhở mỗi người con hãy luôn biết trân trọng tình yêu của mẹ dành cho mình, để sau này không phải day dứt, ân hận khi mẹ không còn nữa; hãy biết trân trọng những gì mình đang có, biết yêu thương và quan tâm đến những người thân yêu của mình; bởi tình yêu thương ấy chính là món quà quý giá mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta.
Nghĩ về lời nhắn xúc động của Bằng Việt trong “Bếp lửa”:
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…”
Giờ đây, may mắn khi còn mẹ hay mai này phải chịu cảnh lìa xa, tôi vẫn muốn gìn giữ những làn khói bếp, những bữa cơm đong đầy tình mẹ trong trái tim mình, dưỡng nuôi yêu thương ấy được nối dài – mãi mãi…
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Phân tích truyện ngắn Cơm mùi khói bếp của Hoàng Công Danh Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.