Bạn đang xem bài viết Phân tích nhân vật Thành trong Sợi tóc của Thạch Lam Những bài văn hay lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Phân tích nhân vật Thành trong Sợi tóc của Thạch Lam mang đến bài văn mẫu cực hay ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo để biết cách viết bài văn phân tích nhân vật hay.
Sợi tóc là tác phẩm cực hay của Thạch Lam, từ những tình huống giản đơn của cuộc sống đời thường mà tác giả đã khắc họa thành công nhân vật Thành. Để hiểu rõ hơn về nhân vật này mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu dưới đây. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: phân tích nhân vật người con trong Sợi tóc, phân tích truyện ngắn Áo tết, phân tích truyện Mua nhà, phân tích Chữ người tử tù.
Phân tích nhân vật Thành trong Sợi tóc
Lê Quang Hưng từng bình luận về thế giới nhân vật trong sáng tác của Thạch Lam rằng: “Phải có tấm lòng yêu thương, trân trọng con người đến mức nào, phải là nhà văn tinh tế, biết sống với tâm trạng, cảm giác nhân vật sâu sắc chừng nào mới viết được những trang văn như thế”. Thật vậy, “Sợi tóc” là tác phẩm điển hình của nhà văn, từ những tình huống giản đơn của cuộc sống đời thường, nhà văn đã thành công khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật Thành biến chuyển một cách đầy phức tạp, cuộc đấu tranh tâm lí đầy cam go để giữ lại lương tri của mình.
Thạch Lam là thành viên của Tự lực văn đoàn và chịu ảnh hướng của trường phái lãng mạn, thế nhưng, lúc bấy giờ, ông lại có khuynh hướng mô tả đời sống xã hội của những người nông dân, những con người nhỏ bé, viết về những điều bình dị, tinh tế với ngòi bút đầy tình thương và thấu cảm. “Sợi tóc” được xuất bản năm 1942, là truyện ngắn được tạo nên bởi tình huống đơn giản nhưng chứa đựng sự đấu tranh mâu thuẫn nội tâm đầy phức tạp.
Câu chuyện là cuộc đấu tranh của nhân vật Thành – một người đàn ông nghèo nhưng chân thành, phải lựa chọn giữa lòng tham và lương tri. Bân – một người anh họ của Thành, được biết đến là một người giàu có, theo Thành đó là loại “giàu” mà “ngốc”, rủ anh xuống phố để chọn giúp mình chiếc đồng hồ. Sau đó, họ đi ăn và xem một buổi biểu diễn ở nhà hát. Trong suốt cuộc đi chơi, chiếc ví của Bân luôn dày cộp, đầy đủ các mệnh giá, những tờ tiền nhiều màu sắc mới tinh đã thu hút sự chú ý và lòng tham của Thành. Trong thế giới nội tâm của mình, Thành bỗng trở thành một kẻ trộm cắp đầy quỷ quyệt, anh bày ra đủ viễn cảnh để có thể trộm được chiếc ví và cũng đã suy nghĩ đến viễn cảnh khi người anh họ phát hiện mất chiếc ví, chắc chắn sẽ chẳng nghi ngờ anh. Bỗng nhiên, anh bừng tỉnh khỏi sự toan tính xấu xa ấy, thoát khỏi thách thức của lòng tham và tiền bạc. Sau buổi biểu diễn, anh ra bước ra khỏi nhà hát với chiếc áo trên tay, trong túi không một đồng nào. Tuy có chút tiếc nuối, nhưng anh đã chiến thắng được sự cám dỗ, khoảng cách giữa cái thiện và cái ác như một sợi tóc mỏng manh và có thể dũng cảm, thẳng lưng, khoan khoái bước về.
Có thể nói, cuộc đấu tranh tâm lí của Thành là những khúc mắc và thách thức mà mỗi con người đều phải trải qua trong cuộc sống. Thành là nhân vật với bối cảnh nghèo nàn, một trái tim chân thành nhưng nhạy cảm, chứa đựng nhiều tâm tư trước sự biến chuyển của cuộc sống. Thành luôn ghen tị trước sự giàu sang, sung sướng của Bân, nhưng lại đánh giá anh là một thằng ngốc “có lẽ mình cho anh ta là ngốc, bởi vì hắn không xử sự như mình, không có những quan niệm về cuộc đời như mình; nhưng thật ra biết đâu cách ăn ở của anh ta lại không khôn ngoan hơn, bởi vì anh ta đã giàu và sung sướng?”. Thế nên, trong suốt buổi đi chơi, suy nghĩ tiêu cực, toan tính ấy luôn bủa vây tâm tính của anh. Hành động và thái độ ấy của Thành cũng chính là góc khuất trong con người, mỗi người chúng ta đều có ít nhất một lần ghen ghét và ganh tị người khác về những điều mình không có, nó có thể diễn ra hằng ngày, hoặc được che giấu sự lương thiện trong mỗi người, thế nhưng nó luôn ở đó, nhưng ít ai để tâm đến Cuộc đấu tranh tâm lí giữa lương tri và tham vọng mỏng manh như một sợi tóc, rất dễ đứt gãy. Dưới ngòi bút tài hoa không ngần ngại bóc tách những góc tối nơi con người, Thạch Lam vẫn chọn tin vào lương tri lương thiện sâu trong bản chất của mỗi con người.
Truyện ngắn “Sợi tóc” của nhà văn Thạch Lam không chú trọng vào xây dựng những tình tiết xung đột, kịch tính, mà chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật mình. Trong cuộc sống nhiều góc khuất hiện nay, việc đối mặt với sự đấu tranh giữa thiện và ác là điều không thể tránh khỏi. Điều duy nhất chúng ta có thể làm chính là mạnh mẽ, dám đối mặt với những khó khăn, tin tưởng vào những gì mình làm, vượt qua mọi cảm dỗ của cuộc đời.
“Có những truyện ngắn Thạch Lam, ở cái thời bấy giờ, đọc xong thấy nó đọng lại trong người ta như một câu hỏi bức thiết của tác giả, như là một lời trách móc kín đáo của nhân vật truyện” – Nguyễn Tuân.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Phân tích nhân vật Thành trong Sợi tóc của Thạch Lam Những bài văn hay lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.