Bạn đang xem bài viết Phân tích bài thơ Nói cùng Anh của Xuân Quỳnh Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Phân tích bài thơ Nói cùng Anh của Xuân Quỳnh mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.
Nói cùng Anh của Xuân Quỳnh chúng ta như thưởng thức một tách trà nóng trong những ngày mưa, cảm thấy ấm áp và gần gũi. Để hiểu rõ hơn về bài thơ mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu phân tích Nói cùng Anh trong bài viết dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu: phân tích bài thơ Bến đò ngày mưa, phân tích bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai.
Phân tích bài thơ Nói cùng Anh của Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh đã từng một lần kết hôn rồi ly hôn trước khi đến với Lưu Quang Vũ. Qua những gì đã biết về họ, ta có cảm giác họ là chàng ADam và nàng EVa, trong trận đại hồng thủy họ bị văng mỗi người một nơi để rồi gặp nhau muộn mằn sau những bão giông của cuộc đời. Họ yêu nhau, điều đó có thể khẳng định được.
Đời sống vợ chồng cũng cần lắm những san sẻ, tâm sự thậm chí có khi cãi vã. “Bát đũa còn có khi xô” bởi vì tâm sự hay cãi vã cũng nhằm để hiểu nhau hơn. Nhưng ta hãy nghe Xuân Quỳnh tâm sự như thế nào với chồng mình qua bài thơ Nói cùng anh. Bài thơ được in trong tập Tự hát- NXB Tác phẩm mới năm 1984.
Em biết đấy là điều đã cũ
Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu:
Sự gắn bó giữa hai người xa lạ
Nỗi vui buồn đem chia sẻ cùng nhau.
Tình yêu là một thứ tình cảm không mới. Nó đã tồn tại từ khi loài người thoát thai khỏi đời sống động vật. Con người với bản năng sinh tồn cần có cơm ăn, nước uống và khí trời để thở. Có nhiều người chẳng yêu cũng sống được. Nhưng nếu không có tình yêu thì sao? Hai người xa lạ gặp nhau, mang nỗi buồn vui chia sẻ cùng nhau và cảm thấy hạnh phúc khi bên nhau, thậm chí hạnh phúc ngay cả khi nghĩ về nhau. Thế là yêu. Nhưng đọc khổ thơ này, người đọc cảm nhận thấy có một vẻ bất cần. “Em biết đấy là điều đã cũ/ Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu”. Cảm giác này có thể được lí giải theo Sigmun Freud, đó là do những chấn thương về tình cảm tạo thành ẩn ức khiến cho người đã một lần thất bại trở nên mặc cảm.
Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi
Niềm đau đớn tưởng như vô tận
Bỗng có ngày thay thế một niềm vui
Tình yêu không phải là vĩnh cửu, những gì Xuân Quỳnh đã trải qua là một minh chứng. Khi yêu, người ta có thể thề non hẹn biển. Nhưng khi cái tình cảm ấy đã mất, người ta có thể quay lưng và có thể làm những điều tồi tệ đối với cái người mà mới hôm qua thôi còn đầu gối má kề. Chia tay nhau là cả một sự đau khổ. Theo giáo lý nhà Phật, con người có tám nỗi khổ thì “Oán tăng hội khổ” là một trong số đó. Thù ghét nhau mà phải nhìn thấy mặt nhau thì khổ lắm. Rồi khi không nhìn thấy mặt nhau nhưng những hậu quả do mối tình bất hạnh đó để lại khiến cho người ta không yên được. Niềm đau đớn tưởng như vô tận là như thế. Nhưng rồi, cho đến một ngày, khi mà má lại hồng, nhịp đập con tim lại rạo rực, lại có một niềm vui thay thế cho nỗi buồn, người ta có thể lại yêu và được yêu.
Điều hôm nay ta nói, ngày mai
Người khác lại nói lời yêu thuở trước
Đời sống chẳng vô cùng, em biết
Câu thơ đâu còn mãi ngày sau
Những gì khi yêu nhau hai người nói với nhau thì những người khác và các thế hệ sau cũng nói như vậy. Xét đến cùng vẫn là nói để bên kia hiểu được lòng mình và bày tỏ những gì mình mong muốn, chẳng qua là khác nhau ở hình thức thể hiện. Như sóng biển hết lớp này lại đến lớp khác mà con sóng nào cũng xô vào bờ. Nếu như tình yêu là một bài thơ của mỗi đôi lứa yêu nhau viết nên thì mỗi bài thơ ấy chỉ có giá trị với chính họ và nó cũng chỉ có giá trị khi còn yêu nhau. Còn khi mối tình ấy không còn nữa thì giá trị của nó cũng mất đi một cách tự nhiên.
Chẳng có gì quan trọng lắm đâu
Như không khí như màu xanh lá cỏ
Nhiều đến mức tưởng như chẳng có
Trước cuộc đời rộng lớn mênh mang
Tác giả thêm một lần khẳng định sự tự nhiên của tình yêu, tự nhiên đến mức nhiều khi không nhận ra nữa, như chẳng có nữa. Đây có phải là những lời dùng để bình thường hóa thậm chí tầm thường hóa tình yêu hay không? Hay bởi những gì đã qua để lại di chứng nặng nề trong lòng tác giả? Cuộc đời thì rộng quá, tình yêu thì mong manh và những biến đổi cuộc đời không thể lường hết được. Có nhiều việc quan trọng cần làm trong cuộc đời hơn lắm chứ, lấy tình yêu ra mà so sánh thì tình yêu có là gì đâu. Phải thế chăng?
Nhưng lúc này anh ở bên em
Niềm vui sướng trong ta là có thật
Như chiếc áo trên tường như trang sách
Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà
Câu thơ rất tường minh. Lúc này em đang ở bên anh và anh đang ở bên em. Đó là sự thật, rất gần gũi, rất thân quen như chiếc áo treo trên tường, như trang sách đang mở. Nhưng cũng rất đẹp, đẹp như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà. Chùm hoa mở cánh trước hiên nhà giống như em mở lòng đón nhận anh, đón nhận tình yêu của anh. Nếu những câu thơ trước, tác giả đánh giá tình yêu cũng bình thường thì sự thay đổi bắt đầu từ đây, làm cho người đọc có cảm giác những dòng thơ trước là những lời hờn dỗi, là mong muốn được yêu nhưng chưa đạt được nên nói như thế để tự an ủi mình, còn bây giờ, niềm vui đang được nhen lên, đang đơm hoa và tỏa hương.
Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa
Tình anh đối với em là xứ sở
Là bóng rợp trên con đường nắng lửa
Trái cây thơm trên miền đất khô cằn
Vì hoàn cảnh công việc mà họ phải thường xuyên xa nhau. Khi đó, cảm nhận về anh trong lòng tác giả là sự nhớ thương, tất nhiên rồi. Nhưng đáng nói là sự nhớ thương đó như nhớ thương về xứ sở, về quê hương, nơi mà từ đó người ta đã ra đi, nơi mà ấm áp như trong ngôi nhà thân thuộc, nơi mát lành như bóng rợp trên con đường nắng lửa hay là vị ngọt ngào, mùi thơm của cây trái trên mảnh đất khô cằn. Tác giả liên tiếp hai cụm hình ảnh trái nghĩa để so sánh, để làm nổi bật tầm quan trọng của anh. Anh là nỗi nhớ, anh là sự ấm áp, anh là vị ngọt là mùi thơm, là tất cả những gì tốt lành nhất. Tình yêu trong lòng tác giả đã lại bắt đầu như là lần đầu mới biết yêu, như sự sống hồi sinh.
Rồi tác giả khẳng định lại:
Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh:
Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng
Lòng tốt để duy trì sự sống
Cho con người thực sự Người hơn
Nhu cầu của con người thì đơn giản nhưng khát vọng cũng không quá xa xôi. Anh là người đã mang lại những điều giản dị nhưng cũng rất phi thường. Tình yêu là đích của khát vọng, cũng là nguồn gốc của khát vọng. Nhưng tại sao tác giả lại dùng từ “lòng tốt”? Có phải vì thấy hoàn cảnh của tác giả như vậy và một người có lòng tốt mới yêu không? Tình yêu có bản chất là sự bình đẳng và tự nguyện. Có phải đây là cách nói nhún nhường của một người phụ nữ đầy nữ tính như Xuân Quỳnh không? Mark Boikv đã nói “Yêu có nghĩa là đối xử với một ai đó tốt hơn tất cả mọi người, tốt hơn cả bản thân mình”. Vậy thì cách nói của Xuân Quỳnh rất phù hợp và chỉ có những trái tim nhân hậu mới cảm nhận được hết những gì mình được hưởng từ tình yêu. Và đó phải chăng cũng là một triết lí yêu của Xuân Quỳnh.
Rồi tác giả kết luận: “Cho con người thực sự Người hơn”. Làm con người thực sự thì phải biết yêu, biết ghét, biết sống có hoài bão, có khát khao và làm cho thế giới tốt đẹp lên. Và theo Xuân Quỳnh muốn vậy con người cần có tình yêu. Nếu như Pascal nói rằng “Tình yêu nâng con người lên thoát khỏi sự tầm thường” thì đối với Xuân Quỳnh, tình yêu làm cho con người thực sự người hơn. Một triết lí sống và yêu thật là sâu sắc.
Trong bài thơ, ta thấy tác giả là người đón nhận chứ không chủ động trong việc tìm kiếm hạnh phúc, tất cả là do anh mang lại, anh trao tặng. Những tác động từ phía anh ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc, làm thay đổi cả tư duy lẫn cuộc đời của tác giả. Điều này có phải do ảnh hưởng từ hoàn cảnh của tác giả mà ta có thể giải thích theo học thuyết của Sigmun Freud. Nhưng điều đó cũng cho thấy một người phụ nữ hiền hậu, cam chịu rất đặc trưng của phụ nữ Việt Nam.
Ai chưa yêu, hãy yêu đi, hãy yêu để thấy cuộc đời là tươi đẹp, là đáng sống và để yêu hãy đối xử thật tốt với người mình yêu, tốt hơn đối với bản thân mình. Cuộc đời là một dòng sông, có khi êm đềm, có khi ghềnh thác. Nhưng đích cuối cùng vẫn là tìm về biển cả, tìm đến mục đích sống tốt đẹp của con người và để làm được điều đó cần có một lượng nước đủ mạnh, một sự bao dung. Cái làm nên sức mạnh đó không gì khác ngoài tình yêu.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Phân tích bài thơ Nói cùng Anh của Xuân Quỳnh Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.