Bạn đang xem bài viết Phân tích bài thơ Ngõ xưa của Nguyễn Văn Song Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Phân tích bài thơ Ngõ xưa của Nguyễn Văn Song mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.
Ngõ xưa của Nguyễn Văn Song là bài thơ rất hay thể hiện tấm lòng thương yêu quê hương đồng thời bộc bạch nỗi hoài niệm tiếc nuối về một thời đã xa. Để hiểu rõ hơn về bài thơ mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu phân tích Ngõ xưa trong bài viết dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu: phân tích bài thơ Lửa đèn, phân tích bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai.
Phân tích Ngõ xưa của Nguyễn Văn Song
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng.”
Lời thơ thấm đượm gợi nhớ về nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người. Chúng ta sinh ra và lớn lên trong vòng tay ôm ấp của quê hương. Đó là dòng sữa ngọt nuôi dưỡng tâm hồn. Ai ai trong chúng ta cũng đều có một nơi để quay về. Và đối với Nguyễn Văn Song, những kí ức về một thời đong đầy kỉ niệm luôn khiến ông hoài niệm qua bài “Ngõ xưa”.
“Ngõ xưa” là dòng hoài niệm của tác giả về một thời đã xa. Câu từ nhẹ nhàng, gần gũi đưa con người vào chốn tĩnh lặng. Chúng ta đều phải lớn, và sẽ có những lúc, tự mình an ủi bản thân bằng cái gọi là kí ức.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Văn Song viết:
Ta về ngõ của ta xưa
Tìm tre cong ngọn nắng mưa xạc xào
Óng vàng quả duối bờ ao
Rặng xoan rộn tiếng chào mào tìm nhau”
Tác giả tìm về nơi thân thuộc qua “ngõ” năm xưa. Động từ “tìm” như thể “lục lọi” phần kí ức. Mọi thứ đều sẽ thay đổi. Quê hương cũng vậy! Hàng tre thuở nào giờ đã không còn. Đó là hàng tre rừng che bóng, trú mưa của mọi người. Nhà thơ không chỉ tìm về hàng tre xanh, ông còn tìm về quả duối bờ ao năm nào óng vàng chín và cả tiếng chim chào mào hót líu lo chào nhau làm sống động của một vùng trời.
“Bạn bè cắt cỏ chăn trâu
Chia nhau một củ khoai màu than rơm
Nắm ngô rang hạt vàng ươm
Có gì nhắn nhủ mà thơm đến giờ”
Tác giả nhớ về những người bạn thuở ấu thơ. Họ là những người cùng Nguyễn Văn Song “cắt cỏ, chăn trâu”. Tuổi thơ của những đứa trẻ miền quê luôn ấn tượng với những buổi chiều vừa chăn trâu, vừa cắt cỏ phụ giúp gia đình. Chính bởi sự gắn kết xóm giềng mà “tắt lửa tối đèn có nhau”. Củ khoai thơm phức, hạt ngô rang vàng ươm đều san sẻ cho nhau những miếng ăn. Đó là tình làng nghĩa xóm khăng khít, bền chặt vô cùng cao quý vào lúc khó khăn.
“Bà Năm tóc trắng phạc phờ
Con đi chinh chiến, còn chờ nữa không
Chị Tâm sao chẳng lấy chồng
Đợi gì cây bưởi trổ bông trắng vườn”
Bà Năm, người mẹ chờ con đầu đến bạc trắng vẫn chưa thấy về. Con ở miền xa xôi chinh chiến bảo vệ Tổ quốc. Hay chị Tâm vẫn ngày này tháng nọ chờ đợi một lời hẹn ước mà chẳng chịu lấy chồng. Mỗi người hàng xóm, người phụ nữ có một hoàn cảnh riêng khiến bây giờ, dù ở xa, khi hoài niệm về những ngày xưa cũ, tâm trí tác giả vẫn ngổn ngang chưa lời giải đáp. Đó là sự quan tâm giữa những người láng giềng.
“Về tìm một buổi tinh sương
Ngõ nhà níu gót rơm vương bộn bề
Cha ra đồng sớm không về
Rạ rơm cay khói ngõ quê mịt mùng”
Nhà thơ chuyển cảnh, ông nhớ về gia đình nhỏ của mình. Sáng tinh sương, cha đã mang cày ra đồng. Cuộc sống người dân thôn quê là vậy! Những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã nuôi dạy biết bao người con thành người có ích cho xã hội. Tuy còn khốn khó nhưng chính những điều này là động lực để thế hệ sau tự dặn lòng phải cố gắng.
“Đã đi trăm nẻo nghìn trùng
Ngõ nhà về lại ngập ngừng bước chân
Tường ngăn lối xóm cao dần
Còn nghe tiếng vọng bần thần ngõ xưa.”
Xa quê hương một thời gian, giờ đây, đi qua những kỉ niệm cũ, thứ tác giả nuối tiếc chính là cảnh đã không còn như xưa. Những lớp tường rào mọc lên ngăn cách nhà này nhà kia, song ẩn chứa sau đấy, dường như nhà thơ nhận ra rằng, tình hàng xóm đã vơi bớt dần. Sự ngăn cách đấy như bước rào lòng người với nhau. Để rồi, sẽ không còn những buổi chiều mát cắt cỏ, chăn trâu; không còn những hôm chia nhau từng củ khoai, trái bắp… Ông bần thần ngậm ngùi chua xót về một thời đẹp đẽ.
Cuộc sống là vậy! Mọi thứ rồi sẽ phải đổi thay. Thức “giết chết” chúng ta, ấy chính là những kỉ niệm. Chính bởi những thứ quá đỗi quen thuộc, ngọt ngào, ấm áp lòng người ấy mà giờ đây, khi trở về, sự thay đổi đến ngỡ ngàng khiến ông hụt hẫng. Thơ từ đấy được ra đời. Ra đời bởi chính xúc cảm của người cầm bút. Đó là tiếng thơ cất lên từ tận đáy lòng làm cho độc giả được đồng cảm hơn. Vừa thêm yêu quê hương, vừa vui mừng khi quê hương có sự thay đổi nhưng song song đó không giấu khỏi nỗi buồn.
Như vậy, bài thơ “Ngõ xưa” của Nguyễn Văn Song khép lại đã thể hiện tấm lòng thương yêu quê hương đồng thời bộc bạch nỗi hoài niệm tiếc nuối về một thời đã xa.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Phân tích bài thơ Ngõ xưa của Nguyễn Văn Song Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.