Bạn đang xem bài viết Nghị luận về ý kiến Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Hôm nay, Blogdoanhnghiep.edu.vn sẽ giới thiệu đến tất cả các bạn một số bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về ý kiến Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người, đây là tài liệu vô cùng hữu ích đã được đội ngũ của chúng tôi sưu tầm từ những bài văn hay nhất của các bạn học sinh giỏi lớp 12.
Hy vọng rằng với tài liệu này thì các bạn sẽ có thêm nhiều cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 12, cũng như có thêm hành trang để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Sau đây, mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo dàn ý và một số bài văn mẫu nghị luận về ý kiến Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người.
Dàn ý nghị luận về ý kiến Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người
I. Mở bài:
– Dẫn vào quan điểm: Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người.
II. Thân bài:
a. Khái niệm văn học chân chính:
– Văn học chân chính là thứ văn học đặt con người ở vị trí trung tâm để khai thác, phải đề cao phẩm giá của con người, đi sâu vào đời sống nhân lại, lấy chủ nghĩa nhân đạo làm gốc.
– Văn chương không chân chính đó là những tác phẩm hào nhoáng về hình thức, câu từ trau chuốt khéo léo, nhưng lại không mang tính nhân văn, đôi khi nó còn hạ thấp phẩm giá và đạo đức của người đọc, tô vẽ những thứ gì xa vời cuộc sống, thậm chí trở thành cái vỏ bọc cho sự khốn nạn, mị dân của một giai cấp thống trị thối nát.
=> Chỉ có văn chương chuyên chú vào con người từ xưa đến nay mới tồn tại mãi mãi và trở thành bất hủ bởi nó “chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”.
b. Cơ sở nhân đạo hóa của văn học chân chính:
– Văn chương lấy cảm xúc để điều chỉnh, củng cố cảm xúc của con người.
– Văn chương là cả một tấm lòng yêu thương sâu nặng của người nghệ sĩ đối với con người.
– Văn chương chính là biểu hiện của sự phản ánh thế giới khách quan vào tâm hồn của người viết, ở đó người ta nhận thấy được tâm tư, tình cảm hỷ, nộ, ái, ố tinh tế và nhạy bén của tác giả trước các sự kiện trong xã hội để người đọc căn cứ vào đó mà nhìn nhận lại chính bản thân mình.
c. Văn chương nhân đạo hóa con người bằng cách nào?
– Văn học đã khiến con người ta biết nhận thức, biết thông cảm, biết xót thương cho đồng loại, làm cho tâm hồn con người trở nên tinh tế hơn, nhạy cảm hơn trước sự biến chuyển cảm xúc và cuộc đời của nhân vật từ đó con người ta trở nên nhân hậu hơn, bao dung hơn. (phân tích từ 2-3 dẫn chứng).
– Văn chương đã đem đến cho con người quá trình thanh lọc tâm hồn, làm cho con người có thể tự nhìn nhận lại mình, tự ý thức để cải thiện bản thân sao cho trở nên tốt đẹp hơn thông qua những bài học, những triết lý nhân sinh mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm của mình (phân tích một số dẫn chứng để chứng minh).
III. Kết bài:
– Nêu cảm nghĩ cá nhân.
Nghị luận về ý kiến Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người – Mẫu 1
Tôi nhớ M. Gorki đã có một nhận định rằng: “Văn học là nhân học”, tức là văn học vừa là sản phẩm trí tuệ tinh tế của con người, do con người dùng chính tâm hồn và cảm quan để sáng tạo ra, đồng thời những sản phẩm văn học cũng trở thành thứ để giáo dục, bồi dưỡng con người trong nhiều khía cạnh xã hội bao gồm việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, khích lệ động viên, làm cho tâm hồn lắng lại để nghe những tiếng vang động ở đời,… Mà nói theo như cách của Thạch Lam thì “văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Trong đó trước khi thay đổi thế giới, văn chương phải làm được nhiệm vụ chính là thay đổi con người, mà theo tôi nghĩ nổi bật nhất ấy là: Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người.
Vậy tại sao phải là văn học chân chính mới có khả năng nhân đạo hóa con người mà không phải là những thứ văn học khác. Để làm rõ điều này chúng ta cần làm rõ thế nào là văn học chân chính, đó là thứ văn học đặt con người ở vị trí trung tâm để khai thác, phải đề cao phẩm giá của con người, đi sâu vào đời sống nhân loại, lấy chủ nghĩa nhân đạo làm gốc như Nam Cao đã từng viết “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn”. Trái ngược với văn chương chân chính đó là những tác phẩm hào nhoáng về hình thức, câu từ trau chuốt khéo léo, nhưng lại không mang lại những giá trị làm thay đổi nhận thức của con người, đôi khi nó còn hạ thấp phẩm giá và đạo đức của người đọc, tô vẽ những thứ gì xa vời cuộc sống, thậm chí trở thành cái vỏ bọc cho sự khốn nạn, mị dân của một giai cấp thống trị thối nát,… thì đó là thứ văn chương hết sức nguy hại. Phân loại văn chương chân chính và không chân chính có thể mượn câu nói của Nguyễn Văn Siêu để làm quy chuẩn: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Vậy nên xét từ xưa đến nay tồn tại mãi mãi và trở thành bất hủ chỉ có thứ văn học vị nhân sinh, mang chủ nghĩa nhân đạo là tượng đài của nhân loại, còn bấy nhiêu những thứ văn dẫu đẹp nhưng phù phiếm hình thức, xa rời nhân sinh thì chẳng mấy chốc cũng bị lãng quên, bởi nó không đủ sức in vào lòng người đọc bằng xúc cảm chân chính, bằng tình yêu thương của người nghệ sĩ. Có thể nhắc đến một số tác phẩm lớn mang chủ nghĩa nhân đạo vẫn luôn được người đời tán dương và trân trọng của Việt Nam và thế giới như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch-xpia, Sống lại và Chiến tranh và hòa bình của L. Tôn-xtôi, Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, Không gia đình của Hector Malot,… Mỗi một tác phẩm có cách khai thác chủ nghĩa nhân đạo riêng, và có đôi lúc những tác phẩm này vẫn bị cho là còn thiếu sót bởi những cách giải quyết mâu thuẫn, gỡ nút thắt không còn phù hợp với xã hội ngày nay thế nhưng những giá trị nhân đạo hóa con người ẩn chứa trong đó thì không thể nào chối cãi được.
Tại sao tôi lại nói rằng nhân đạo hóa con người là khía cạnh mà văn học làm tốt nhất và nổi bật nhất, bởi sở dĩ ông cha ta vẫn thường có câu “Dĩ độc trị độc”, thì ở đây với văn chương ta không nói gay gắt như thế mà thay vào đó văn chương lấy cảm xúc để điều chỉnh, củng cố cảm xúc của con người. Mỗi một người nghệ sĩ chân chính khi chắp bút vào tác phẩm họ thường phải đặt vào đó cả một tấm lòng, một linh hồn nguyên vẹn, họ phải viết bằng tất cả tài năng và trí lực bằng tất cả những xúc cảm dồi dào về một phát hiện giữa đời sống cái khiến người ta tâm đắc, rồi tìm mọi cách khiến nó trở nên sáng tạo và có giá trị. Như Enxa Tơriole đã nói: “Nhà văn là người cho máu”, người nghệ sĩ phải xem văn chương là máu thịt của mình hết sức trân quý mà giữ gìn, câu từ nào viết ra cũng phải mang trong nó cả hồn xác của nghệ sĩ thì mới có thể đạt tới xúc cảm chân chính nhất. Chính vì thế có thể nói văn chương chính là biểu hiện của sự phản ánh thế giới khách quan vào tâm hồn của người viết, dù đó có là tác phẩm viết về tình yêu, về chiến tranh, về những bi kịch, viết về những thứ lớn lao hay tầm thường nhỏ bé trong vũ trụ thì nó vẫn luôn mang trong mình bóng hình và phong cách riêng của người nghệ sĩ. Ở đó người ta nhận thấy được tâm tư , tình cảm hỉ, nộ, ái, ố tinh tế, nhạy bén của tác giả trước các sự kiện trong xã hội để người đọc căn cứ vào đó mà so sánh với chính bản thân mình. Và dĩ nhiên rằng người nghệ sĩ muốn làm ra được tác phẩm văn học đánh động tâm can, thay đổi nhận thức người đọc thì phải lấy đề tài con người là trung tâm, biết khai thác những khía cạnh thực tế trong cuộc sống nhân loại, cả hạnh phúc lẫn khổ đau, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Viết làm sao cho thật chân thực, sinh động, đủ sức thu hút người đọc, để người đọc cảm nhận được sự gần gũi, tình yêu thương con người sâu sắc đến độ thấu hiểu của nghệ sĩ đong đầy trong từng câu chữ, như L.Tôn xtôi từng khẳng định:”Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng,bình đẳng bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt kiện cả những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại”. Tóm lại rằng “nghệ thuật vị nhân sinh”phải là thước đo giá trị cho mọi tác phẩm văn học, cũng là thước đo cho khả năng nhân đạo hóa của một tác phẩm văn học chân chính.
Vậy văn học chân chính đã nhân đạo hóa con người như thế nào? Trước hết văn học đã khiến con người ta biết nhận thức, biết thông cảm, biết xót thương cho đồng loại. Truyện Kiều của Nguyễn Du là kiệt tác của nền thơ ca Việt Nam, bởi nó là tiếng khóc đoạn trường của những kiếp người đớn đau dưới xã hội cũ, nó tố cáo những bất công trong xã hội, nó là tấm lòng xót thương cho một kiếp hồng nhan tài hoa bạc mệnh của nàng Kiều, đồng thời cũng là lời đớn đau chung cho số phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc. Một tác phẩm mang nhiều giá trị nhân văn, nhân đạo như thế đã trở thành biểu tượng cho nền văn học nước nhà, nó khiến con người ta biết thương cảm, nhận thức sâu sắc về một giai đoạn lịch sử đã qua của dân tộc, nó thôi thúc con người ta đứng lên thay đổi thế giới, thay đổi cuộc sống,… dù rằng đến ngày hôm nay xã hội đã công bằng hơn, thế nhưng Truyện Kiều vẫn mang trong mình nguyên giá trị. Tương tự như vậy hàng loạt các tác phẩm của các nhà văn hiện thực trước cách mạng như Nam Cao với Đời thừa, Chí Phèo, Sống mòn, Vợ nhặt,… Kim Lân với Lão Hạc, Ngô Tất Tố với Tắt đèn, Tô Hoài với Vợ chồng A phủ, Nguyễn Công Hoan với một loạt các tác phẩm như Người ngựa ngựa người, Kép Tư Bền, Tinh thần thể dục,… đều mang đến cho độc giả sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với đồng loại, làm cho tâm hồn con người trở nên tinh tế hơn, nhạy cảm hơn trước sự biến chuyển cảm xúc và cuộc đời của nhân vật từ đó con người ta trở nên nhân hậu hơn, bao dung hơn.
Dĩ nhiên quá trình nhân đạo hóa của văn chương không chỉ dừng lại ở việc gợi lòng thương cảm, trắc ẩn đối với những số phận bất hạnh trong xã hội hay sự bất bình trước cái khốn nạn của chế độ cũ mà quan trọng hơn cả văn chương đã đem đến cho con người quá trình thanh lọc tâm hồn. Nói như Hoài Thanh tức là “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có luyện những tình cảm ta sẵn có”, hoặc nói như Thạch Lam văn chương “làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Cái cốt yếu của văn chương chính là ở chỗ làm cho con người có thể tự nhìn nhận lại mình, tự ý thức để cải thiện bản thân sao cho trở nên tốt đẹp hơn thông qua những bài học, những triết lý nhân sinh mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm của mình. Có thể lấy ví dụ về Lục Vân Tiên cùng một loạt các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã chủ yếu nhân đạo hóa con người bằng cách phân rõ thiện ác, lý tưởng hóa nhân vật, hướng con người đến vẻ đẹp chân – thiện – mỹ, giáo dục con người bằng tư tưởng “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”, khẳng định chân lý cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác hoành hành. Hoặc quay lại với các tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực ví như Đời thừa của Nam Cao, đọc không phải chỉ để thông cảm với tấn bi kịch tinh thần của nhân vật mà còn là để nhận ra những triết lý sâu sắc về văn học và người nghệ sĩ, “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”, nhận ra nét đẹp tâm hồn, ước mơ cao cả của nhân vật chính trong lúc quằn quại đấu tranh giữa cái đói khổ và lý tưởng cao đẹp. Điều đó thôi thúc con người nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại thái độ của mình trong cuộc sống, trong công việc, có ý chí vươn lên để thay đổi cuộc sống, tạo dựng ước mơ,… Hoặc kể đến Vợ chồng A Phủ, ngoài việc đớn đau cho số phận dưới đáy xã hội cường quyền thần quyền của Mị và A Phủ thì tác phẩm còn để người đọc nhận thấy được vẻ đẹp tâm hồn, niềm khát khao tự do cháy bỏng, sức sống tiềm tàng mãnh liệt, đồng thời mở đường cho quá trình tiến đến với cách mạng để giải phóng bản thân của nhân vật chính. Như vậy tác phẩm đã có giá trị “nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm”. Hoặc đến với Xuân Diệu, ta không còn phải thông cảm hay đau đớn xót thương mà thay vào đó tác giả đã khai phá nhận thức của con người bằng các triết lý nhân sinh sâu sắc về thời gian, về cuộc đời, khuyến khích ở ta lòng yêu cuộc sống, sức trẻ, lòng trân trọng những gì tươi đẹp ở thế giới xung quanh, làm cho tâm hồn ta trở nên khoáng đạt, giàu xúc cảm hơn. Nói về nền văn học kháng chiến, hầu hết các tác phẩm đều có ý nghĩa nhân đạo ở chỗ là giáo dục cho con người ta tấm lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào một cách tha thiết, đồng thời thúc đẩy lòng dũng cảm, tinh thần hy sinh chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Có thể lấy một vài ví dụ như Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Việt Bắc của Tố Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng Chí của Chính Hữu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật,… Hoặc những tác phẩm viết về những điều bình dị trong cuộc sống của con người cũng có những tác động đáng kể trong việc thay đổi và thanh lọc tâm hồn ví như Nguyễn Minh Châu với hai tác phẩm nổi tiếng là Bến quê và Chiếc thuyền ngoài xa. Nếu như Bến quê nhắc nhở con người ta phải biết trân trọng và để ý đến những giá trị gần sát ngay bên cạnh mình, thì Chiếc thuyền ngoài xa lại đem đến cho con người ý thức về một cách nhìn nhận cuộc sống đa diện nhiều chiều.
Chung quy lại khó có thể nói một cách thật toàn diện về khả năng nhân đạo hóa con người của văn học, bởi nó là một phạm trù rộng lớn bao quát lên tất cả các giới hạn cảm xúc, cứ mỗi một nghệ sĩ lại đưa ra một cách nhìn nhận và phong cách thể hiện tính nhân văn trong tác phẩm khác nhau. Thế nhưng phải công nhận rằng văn chương chân chính là một thứ tài sản vô giá của nhân loại, đi từ việc nhân đạo hóa con người văn chương đã gián tiếp thay đổi thế giới để khiến nó trở nên tốt đẹp và ấm áp hơn.
Nghị luận về ý kiến Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người – Mẫu 2
Văn học là trong những loại hình nghệ thuật có từ rất sớm, gắn bó thiết thực với đời sống tinh thần của con người ngay từ thuở xa xưa. Dù dưới hình thức nào thì nó vẫn là sự phản ánh thế giới khách quan qua thế giới chủ thể của nghệ sĩ…
Tác phẩm nghệ thuật chân chính là sự giãi bày những tình cảm, những khát vọng sâu xa của nhà văn trước cuộc đời, trước những vấn đề có ý nghĩa thân thiết đối với con người. Dù văn học viết về những sự cố lớn lao: bão táp cách mạng, chiến tranh, hay chỉ diễn tả một tiếng chuông chùa, một bờ tre, ruộng lúa… bao giờ ta cũng tìm thấy hình bóng, tâm sự của con người gửi gắm ở bên trong.
Với tư cách là cụ thể của hoàn cảnh, là động lực của sự phát triển xã hội, là gốc của mọi sáng kiến, phát minh. Con người với tất cả niềm vui, nỗi buồn, tâm tư khát vọng, thành đạt hay khổ đau luôn luôn là đối tượng trung thực của văn học, là mối quan tâm hàng đầu của nghệ sĩ chân chính. Tình yêu thương đối với con người là nguồn động lực căn bản nhất thúc đẩy ngòi bút của mọi nhà văn chân chính.
Nhà văn Nga Tolstoi đã từng viết: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Còn Goethe thi nói: “Những điều đầu tiên mà thiên nhiên cần là tình yêu nồng nàn đối với cuộc sống”. Nữ văn sĩ Pháp Elsa Trisolet thì diễn tả tình yêu ấy bằng hình ảnh thật cụ thể: “Nhà văn là người cho máu”. Đó là một tình yêu bao gồm cả sự hi sinh to lớn. Tác phẩm chân chính đúng là sản phẩm trí tuệ, trái tim, mồ hôi và cả nước mắt nữa của người nghệ sĩ, là kết quả của quá trình nếm trải, nung nấu, cảm xúc dào dạt – cái mà người ta gọi là cảm tưởng trong sáng tạo nghệ thuật, không ai làm thơ làm văn trong trạng thái khô cằn, chai sạn xúc cảm. Cảm tưởng ấy có thế bắt đầu từ niềm vui sướng, tự hào hay tin tưởng, phấn khởi, nhưng với nghệ sĩ chân chính thì chẳng bao giờ có niềm vui hời hợt, giản đơn. Bởi vì cuộc sống con người, trong tính hiện thực của nó, niềm vui luôn luôn đi đôi với nỗi buồn, ánh sáng luôn tồn tại bên cạnh bóng tối, cái xấu luôn xen lẫn bên cạnh cái tốt, hạnh phúc thường đi liền với khổ đau, bất hạnh…. Và những khổ đau của con người xưa nay vốn là nỗi nhức nhối, bức xúc nhất hối thúc người nghệ sĩ cầm bút.
Chính nhà văn Xô viết V.Raxpuchin đã diễn đạt tình cảm ấy một cách giản dị chân thành: “Nếu tôi viết, ấy là vì tôi cảm thấy đau ở đâu đây trong người với Huygo thì bể khổ của nhân loại là hầm mỏ khai thác không vơi cạn của cha ông. Truyện kiều là tiếng khóc đứt ruột. Chí Phèo là tiếng thét phẫn uất đòi quyền làm người… Những tác phẩm chân chính, bất tử với thời gian thường là những tác phẩm diễn tả những xung đột có khi đầy bi kịch giữa cái thật và cái giả, giữa cái thiện và cái ác, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái cao thượng với cái thấp hèn, ghê tởm… Tuy nhiên “thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”. Đó chính là khả năng nhân đạo mà văn học chân chính có thể mang lại cho con người.
Ở đây có mấy vấn đề cần lưu ý: Sở dĩ nói văn học chân chính chứ không phải văn học nói chung vì trong sự tồn tại của văn học nhân loại quả là những tác phẩm vì con người, nâng cao phẩm giá con người nhưng cũng có thứ văn chương làm hạ thấp phẩm giá con người. Có những tác phẩm là kết quả của thao thức khổ đau, hi sinh, trăn trở nhưng cũng không thiếu thứ văn chương làm thuê, làm công cụ, bồi bút tô son trát phấn cho giai cấp thống trị trong những xã hội đã suy tàn, mục ruỗng
Có thứ văn chương bất tử, sống mãi với muôn đời, có thứ văn chương rẻ tiền sẽ bị quên lãng với thời gian. Chủ nghĩa nhân đạo, lòng yêu thương tôn trọng con người là thước đo căn bản nhất để đánh giá mọi giá trị văn học chính. “Những người khốn khổ” của Hugo, “ Sống lại” của L.Tolstoi, Thúy Kiều của Nguyễn Du… là những tác phẩm trong đó tác giả còn bộc lộ quan điểm sai lầm về tư tưởng và những giải pháp cải tạo xã hội, nhiều nhân vật cũng đã trải qua bao nhiêu vấp ngã, giằng xé, lầm lẫn… nhưng đó là những tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ sống mãi với thời gian; bởi sức mạnh cảm hóa sâu xa, bởi lòng yêu thương con người mênh mông, sâu thẳm bởi thái độ căm ghét, phẫn uất trước những thế lực xấu xa, tàn ác đã giày xéo chà đạp lên con người.
Đó chính là lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn có khả năng nhân đạo hóa con người, làm cho con người tin hơn ở những điều thiện, ở khả năng vươn tơi điều cao cả, cao thượng, kể cả những con người đã trải qua và chịu đựng nhiều điều ác khủng khiếp do xã hội và có khi do chính mình gây ra.
Mặt khác, nói tới quá trình nhân đạo hóa của văn học không phải chỉ là khả năng gợi lòng trắc ẩn, động tâm, thương cảm đối với những cảnh ngộ bất hạnh đói nghèo diễn ra trong xã hội, dù điều đó cũng là một phương tiện đáng quý. Chức năng nhân đạo hóa còn bộc lộ ở sự tự ý thức về bản thân, tự nhận diện bản thân trước những điều xấu, tốt, thiện, ác… mà tác phẩm gọi lên. Người ta nói đến sự “thanh lọc” tâm hồn của văn học, hay hình thức “sám hối” của bản thân trước lương tâm của quá trình tiếp nhận tác phẩm là như thế.
Nam Cao không phải chi là để cảm thông với Điền, với Thứ, với Hộ… có một cuộc sống bị “cơm áo ghì sát đất”, nó đang có nguy cơ giết chết những ước mơ và những tình cảm nhân ái, cao thượng. Những tác phẩm của Nam Cao như một tấm gương soi để độc giả hôm nay tự nhận diện chính mình, không ngừng vượt lên hoàn cảnh bản thân để sống một cách xứng đáng hơn, tốt đẹp hơn.
Nếu trong tác phẩm “Đời thừa”, nhân vật Hộ là một trí thức hoàn toàn tốt tác phẩm có thể không làm ta xúc động đến thế. Sự giằng xé giữa nhân cách cao thượng, hành vi đẹp đẽ, hoài bão to lớn, tấm lòng vị tha của một “chàng trai trẻ vốn say mê lý tưởng” với những bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lý, với sự hối thúc của đời sống tầm thường hàng ngày, cả những cẩu thả, bất lương trong nghề cầm bút và những hành vi “tàn nhẫn của hắn” đối với Từ – người rất đỗi đáng thương của y và những giằng xé nội tâm không nguôi trong lòng Hộ, lại làm người đọc xót xa thương cảm đến tận đáy lòng. Chính điều đó đã làm nên giá trị nhân văn rất lớn của tác phẩm.
Chính bản thân tác phẩm “Đời thừa” đã tạo được giá trị đích thực mà tác giả của nó hằng mong mỏi. “Nó chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng… Nó làm cho con người gần người hơn”. Những giá trị nhân văn to lớn như thế lại được hình thành từ những mẩu chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh nhưng được viết bằng một ngòi bút chân thực, tài hoa và nhất là bằng một cuộc sống cũng đầy mâu thuẫn, đau xót, trăn trở của chính nhà văn Nam Cao.
Ở đây có vấn đề viết cái gì và viết như thế nào. Không nên đồng nhất nội dung phản ánh và sự phản ánh. Nói cho rõ hơn, ở đây tình cảm, lương tri, thái độ trân trọng đối với giá trị tinh thần của con người đã rọi sáng vào từng cảnh ngộ trong câu văn, làm dậy lên ở người đọc một mối liên tưởng đồng cảm, đau xót. Đó mới là những yếu tố tạo nên sức thuyết phục sâu xa đối với người đọc.
Đọc “Đời thừa” ta có cảm giác như nhà văn đã rọi vào chỗ sâu kín nhất của Quá trình nhân đạo hóa sẽ hình thành từ sự đồng cảm ấy. Ở “Lão Hạc” không vậy. Tác phẩm gợi lên lòng thương cảm nơi người đọc từ cái chết thê thảm của lão vì lòng thương con và vì tình trạng khốn quẫn của lão. Nhưng giá trị nhân đạo của tác phẩm chủ yếu lại không chỉ nằm ở đây. Tác phẩm là những tình cảm vị tha, cao thượng đầy tự trọng của một lão già nông dân chất phác, hiền lành: biết đâu lão tự tử còn vì lòng tự trọng bị tổn thương, lương tâm cắn rứt vì nỡ lừa dối một con chó! (trong khi còn biết bao con người nhưng mặt người nhưng lòng lang dạ thú “người với người là chó sói”). Phát hiện chỗ sâu xa nhất những nét đẹp lương tri con người, tác phẩm đóng vai trò tích cực trong việc làm cho con người trở nên tốt đẹp, nhân ái hơn.
Đó là chưa kể đến những câu văn chan chứa một lòng vị tha độ lượng thái độ làm hòa với người khác và với chính mình, những tình cảm nhân đạo là bài học về cách sống, cách xử thế, cách nhìn nhận và đánh giá con người làm cho lòng ta trở nên thanh thản hơn, cao thượng hơn. “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không có tâm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn là những cớ để cho ta tàn nhẫn không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ đáng thương… “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân, có thể nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác hơn. Con người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị nỗi lo lắng buồn đau ích kỷ che lấp mất. Tôi biết vậy nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận”.
Chao ôi, nếu ai cũng nghĩ được như thế thì quan hệ giữa con người với con người sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu. Những câu văn xót xa mà đẹp đẽ như vượt ra khỏi khuôn khổ của tác phẩm, nó nói về cái tình người muôn thuở nên có, nó có khả năng nhân đạo hóa con người, làm cho con người trở nên cao thượng và nhân ái hơn.
Ở đây nói nhân đạo hóa để nhân mạnh sức cảm hóa mạnh mẽ của nghệ thuật. Con người là sản phẩm của tạo hóa, nó vốn đẹp đẽ “nhân chi sơ tính bản thiện”. Nhưng xã hội có thể làm tha hóa con người thì văn chương chính lại có khả năng tác động ngược lại. Tình thương, lòng nhân đạo sẽ cảm hóa, thức tỉnh lương tri vốn luôn ẩn chứa trong chiều sâu nội tâm con người có khả năng “nhân đạo hóa” con người. Nói “khả năng” vì không nhất thiết bao giờ cũng có thể đạt được như vậy. Nó còn tùy thuộc vào sự tiếp nhận riêng biệt của chủ thể cảm thụ. Nhưng một nhà văn chân chính bao giờ cũng nung nấu, khát vọng tác phẩm của mình sẽ đem lại một giá trị tinh thần nào đó nhằm cứu vãn con người. Ngay cả Truyện Kiều, dù Nguyễn Du có viết:
“Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”
Thì ta cũng hiểu đó chỉ là một cách nói khiêm nhường. Khi trút lên ngòi bút bao nỗi đớn đau về cuộc đời, đương nhiên nhà văn khao khát những tấm lòng những giọt nước mắt đồng cảm:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
Mấy thế kỷ trôi qua, Truyện Kiều và những tác phẩm đầy nhân đạo của Nguyễn Du mãi mãi là người bạn tâm tình, là nguồn sức mạnh của biết bao thế hệ độc giả, kể cả những độc giả trẻ tuổi hiện nay:
Dẫu súng đạn nặng lòng ra hỏa tuyến
Đi đường dài, em giữ “Truyện Kiều” theo.
(Chế Lan Viên – Gửi Kiều cho em Năm đi đánh Mỹ)
Không thể nào có thể nói hết khả năng nhân đạo hóa của văn học đối với con người. Nhưng quả thật, đọc một tác phẩm văn học chân chính, ta có cảm thấy thật hạnh phúc và sung sướng như đang được đối diện, tâm tình trò chuyện với một người bạn thông minh, nhân ái, từng trải, như đang được chia sẻ nỗi buồn, niềm vui, tâm tư, ước vọng; như đang được đón nhận ý chí, niềm nghị lực trong cuộc hành trình đầy thử thách của cuộc sống. Biết bao nhiêu tác phẩm văn chương đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ. Nói như Gorki :”sách vở đã chỉ cho tôi chỗ đứng của mình trong đời sống, nói cho tôi biết rằng con người thật là vĩ đại và đẹp đẽ, rằng con người luôn luôn hướng về cái tốt đẹp hơn, rằng con người đã làm nên nhiều thứ trên trái đất và vì thế mà họ đã chịu biết bao đau khổ”. Và cũng chính Gorki đã tuyên ngôn: “Con người – cái tên mới đẹp làm sao, mới vinh quang làm sao. Con người phải tôn trọng con người”.
Hiểu biết con người, hiểu chính mình, cảm thông chia sẻ với nỗi khổ đau con người, của mình trong đời sống, nói cho tôi biết rằng con người thật là vĩ đại. Và nỗi buồn, niềm vui, tâm tư, ước vọng; như đang được đón nhận ý niềm tin, nghị lực trong cuộc hành trình đầy tà truyện với mọi con người, căm ghét cái giả dối, ti tiện, tàn ác, biết hướng tới cái chân, thiện, mỹ; biết một cách chân thật, nhân ái, cao thượng… đó là những dấu hiệu của quá “nhân đạo hóa” mà văn học chân chính đã và mãi mãi sẽ đem lại cho con người vì hạnh phúc của con người.
Nghị luận về ý kiến Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người – Mẫu 3
Con người sở dĩ đáng kiêu hãnh, trở thành Con Người vì không phải chỉ biết sống theo bản năng, mà còn có một đời sống tinh thần phong phú. Trong đời sống tinh thần của con người, văn học đóng một vai trò quan trọng, tất nhiên văn học nói ở đây phải là văn học chân chính. Văn học đã mở rộng tầm mắt cho con người, giúp cho con người một cách sống tốt đẹp để tự hoàn thiện nhân cách của mình, có thêm sức mạnh để tham gia vào cuộc chiến đấu cho cái thiện toàn thắng trên cõi đời này. Văn học chân chính giáo dục con người bằng cái thật và cái đẹp, sâu sắc hơn nữa “văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người”.
Văn học nâng cao nhận thức của con người, đó là chức năng hàng đầu của văn học. Có thể nói sự ngu dốt là thành lũy kiên cố của cái ác. Văn học chân chính góp phần tấn công vào thành lũy đó. Văn học mở rộng tâm trí của con người bằng sự phản ánh chân thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ của tự nhiên và xã hội. Đọc tác phẩm văn học, con người có thể hiểu được quá khứ, hiện tại và tương lai. Những tác phẩm như “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du giúp chúng ta hiểu biết quá khứ đau thương và hào hùng của dân tộc. Những tác phẩm khoa học viễn tưởng giúp chúng ta mường tượng được xã hội loài người trong tương lai. Ngay cả những dự báo trong các tác phẩm văn học hiện đại cũng giúp con người mở mang tâm trí rất nhiều. Những dự báo về sự diễn biến tư tưởng trong cuộc sống hòa bình của Tố Hữu trong bài thơ “Việt Bắc” không đáng kinh ngạc lắm sao?
“Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng.”
Khi nhà văn G.Mac Ket (Nobel 1983) nói lớn lên: “Sự vong ân của con người là vô bờ bến” đã làm thức tỉnh cả nhân loại.
Trong hiện thực muôn màu muôn vẻ của văn học, chúng ta thấy có hai hướng chính: các nhà văn hướng đến những nhân cách cao thượng và hướng đến những thân phận bé nhỏ, những tấn bi kịch của con người. Hướng thứ nhất có thể coi là giấc mơ của nhân loại. những Prômêtê, những Đôn Ki Sốt, những Giăng Van Giăng, những anh hùng Lương Sơn Bạc, những Thánh Gióng, Từ Hải… hướng con người đến những tình cảm cao thượng. Những ước vọng đẹp đẽ khi cái ác hoành hành, nhân loại cần một lưỡi gươm vung lên (một lưỡi dao phay cũng được) dù đấy chỉ là một giấc mơ.
Hướng thứ hai như là một liều thuốc chống bệnh vô cảm – một căn bệnh nan y của nhân loại hiện đại. Những Thúy Kiều, những vợ chàng Trương, những Tám Bính, những chị Dậu… đã làm xúc động trái tim của con người. Khi một con người không còn thấy rung động trước những thân phận bé nhỏ (như trong truyện ngắn của Thạch Lam) thì ta có thể nói tâm hồn của con người đó đã chết.
Cũng hướng này, nhưng sâu hơn nữa, các nhà văn còn rọi ánh sáng vào tâm hồn của những con người bé nhỏ đã bị tha hóa để thấy rằng họ cũng còn một chút lương tri. Nếu một xã hội bằng phẳng có thể cứu vớt những linh hồn tội lỗi đó. Một A.Q, một Chí Phèo, một Binh Chức, một Năm Thọ có sức cảnh giới con người, kêu gọi xã hội không nên xô đẩy con người vào đường tội lỗi.
Sức mạnh của văn học chân chính còn góp phần tố cáo những thế lực đen tối, tàn bạo trong xã hội, chà đạp lên cuộc sống của con người. Bằng những hình tượng, văn học đã tiếp sức cho con người thêm sức mạnh để chống lại điều ác, để xóa bỏ những xã hội đen tối tàn bạo.
Cái chết bi thảm của cặp tình nhân Rômêô và Giuliét đã làm dịu đi tất cả những xung đột dòng họ trên đời này. Bi kịch có sức thanh lọc tình cảm của con người là thế.
Nguyễn Du đã vẽ lên hàng loạt những chân dung gớm ghiếc như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến… khiến cho con người ghê tởm với cái xấu, cái ác, với cường quyền.
Hàng loạt những nhân vật trong văn học hiện thực 1930-1945 như Nghị Quế, Nghị Lại, Nghị Hách, Bá Kiến, Xuân tóc đỏ… khiến cho người đọc thấy xã hội thực dân phong kiến đen tối, xấu xa, tàn bạo, không còn cơ sở để đứng vững. Văn học chân chính còn ca ngợi những hành động đấu tranh để thay đổi hoàn cảnh làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn đối với con người. Lục Vân Tiên, một anh học trò “bẻ cây làm gậy” tả đột, hữu xung đánh tan bọn cướp cứu người lương thiện là một biểu dương sức mạnh chính nghĩa. Chị Dậu nổi giận đánh bọn cai lệ là một hành vi của bản lĩnh, của nhân cách rất cần thiết trong cuộc sống. Bà Má Hậu Giang chửi vào mặt lũ thực dân và bọn tay sai là hành động anh hùng để bảo vệ lí tưởng cao đẹp. Cao hơn nữa là những hành động đầy ý thức có tổ chức và đấu tranh thắng lợi, cải tạo được hoàn cảnh, như trong “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi.
Văn học chân chính có khả năng góp phần hoàn thiện đạo đức, nhân cách của con người, làm cho con người sống tốt đẹp hơn. Văn học giúp con người nhận thức xã hội và thế giới tự nhiên, nhưng chủ yếu là tự nhận thức, là giúp cho con người tự cải tạo và hoàn thiện bản thân mình. Văn học định hướng và chuẩn bị cho cá nhân những điều kiện để làm cuộc hành trình tinh thần hoàn thiện nhân cách bên trong của mình. “Đôi mắt” của Nam Cao trang bị cho chúng ta một cách nhìn đời sáng suốt. “Con cá chột nưa” của Tố Hữu cảnh giới cho chúng ta chủ nghĩa cá nhân rất nguy hiểm. “Chữ người tử tù” biểu dương một nhân cách cao đẹp trong sự hài hòa giữa cái đẹp và cái dũng.
Thơ trữ tình tác động mãnh liệt vào tâm trí của người đọc. Những hình tượng thơ có giá trị nghệ thuật cao truyền cho người đọc một tình yêu mãnh liệt đối với cái đẹp, cái cao cả, đồng thời cũng kích thích con người thái độ căm ghét cái xấu, cái tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người. Thế mới biết thơ có tác dụng giáo dục lớn lao đối với con người.
Khổng Tử đã từng nhận xét về Kinh Thi: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ nộ…” Lời nhận xét của Khổng Tử đối với Kinh Thi của Trung Quốc có thể hiểu rộng đó là nhận xét chung đối với văn học chân chính. Hiểu theo Khổng Tử, văn học chân chính có thể mang lại cảm hứng cho con người, văn học chân chính có khả năng mở rộng tầm mắt của con người, văn học chân chính có khả năng đoàn kết con người (tất nhiên là để chiến đấu cho cái thiện toàn thắng). Văn học chân chính còn có khả năng gây cho con người lòng căm phẫn đối với cái xấu, cái ác, cái tàn bạo… Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người là vì thế.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Nghị luận về ý kiến Văn học có khả năng nhân đạo hóa con người (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.