Bạn đang xem bài viết Nghị định 68/2017/NĐ-CP Quy chế quản lý phát triển cụm công nghiệp tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 15/07/2017. Theo đó, quy định về điều kiện để thành lập cụm công nghiệp bao gồm:
– Có trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt;
– Có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng (không yêu cầu về chủ đầu tư);
– Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì :
+ Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% (tăng 20% so với quy định hiện hành); hoặc
+ Tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha.
Nghị định 68/2017/NĐ-CP – Quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/2017/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2017 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.
2. Đối tượng áp dụng của Nghị định này:
a) Các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
b) Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp;
c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, hoạt động của cụm công nghiệp.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cụm công nghiệp là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 5 ha.
2. Cụm công nghiệp làng nghề là cụm công nghiệp phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương.
3. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
4. Trung tâm phát triển cụm công nghiệp cấp huyện là đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đã được thành lập theo Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Ban Quản lý cụm công nghiệp cấp huyện là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập để giao hoặc ủy quyền nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn.
6. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp bao gồm hệ thống các công trình giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ, nhà điều hành, bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động của cụm công nghiệp.
7. Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; các cá nhân và hộ gia đình (đối với cụm công nghiệp làng nghề) có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
8. Diện tích đất công nghiệp là diện tích đất của cụm công nghiệp có thể cho doanh nghiệp thuê, thuê lại để thực hiện sản xuất, kinh doanh, được xác định trong quy hoạch chi tiết do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
9. Diện tích xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp là phần diện tích đất của cụm công nghiệp dành cho xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung, được xác định trong quy hoạch chi tiết do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
10. Tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp là tỷ lệ % của diện tích đất công nghiệp đã cho các tổ chức, cá nhân thuê, thuê lại để sản xuất, kinh doanh trên tổng diện tích đất công nghiệp của cụm công nghiệp.
11. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp là hệ thống các mục tiêu, định hướng, giải pháp và các cơ chế chính sách phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh trong từng thời kỳ nhất định nhằm phân bố, phát triển mạng lưới các cụm công nghiệp hợp lý trên cơ sở sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên của địa phương.
Điều 3. Lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp
1. Lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp:
a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất khác cần di dời vào cụm công nghiệp;
b) Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn;
c) Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Chính phủ ban hành;
d) Sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động ở địa phương;
đ) Các ngành, nghề, sản phẩm có thể mạnh của địa phương, vùng và các lĩnh vực, ngành, nghề khác phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương;
e) Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này được ưu tiên xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Điều 4. Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp
Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp gồm thông tin về quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh, cả nước.
Chương II
QUY HOẠCH, THÀNH LẬP CỤM CÔNG NGHIỆP
Mục 1. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP
Điều 5. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp
1. Căn cứ lập Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp:
a) Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có liên quan khác trên địa bàn;
b) Nhu cầu diện tích mặt bằng để thu hút, di dời các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp;
c) Khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn.
2. Nội dung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp:
a) Căn cứ pháp lý, sự cần thiết xây dựng quy hoạch;
b) Đánh giá, dự kiến nhu cầu phát triển các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các yếu tố tác động đến phát triển cụm công nghiệp; nhu cầu mặt bằng của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào cụm công nghiệp;
c) Đánh giá hiện trạng, tiến độ triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tình hình thu hút đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, hiệu quả hoạt động của từng cụm công nghiệp; những mặt đạt được, tồn tại và nguyên nhân;
d) Định hướng phân bố, phát triển các cụm công nghiệp, luận chứng quy hoạch từng cụm công nghiệp (gồm: Tên, địa điểm, diện tích, hiện trạng đất đai trên nguyên tắc hạn chế sử dụng đất đã quy hoạch trồng lúa, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật ngoài cụm công nghiệp; nhu cầu thuê đất, thuê lại đất của cụm công nghiệp và các yếu tố thuận lợi, khó khăn);
đ) Đánh giá hiện trạng môi trường, công tác quản lý môi trường của các cụm công nghiệp đã thành lập trên địa bàn; dự báo tác động, biện pháp xử lý môi trường của các cụm công nghiệp dự kiến quy hoạch;
e) Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; các giải pháp về cơ chế, chính sách, khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư; phương án tổ chức thực hiện quy hoạch;
g) Dự kiến danh mục quy hoạch các cụm công nghiệp theo các phương án; lựa chọn một phương án và thể hiện trên bản đồ quy hoạch (gồm: Tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, dự kiến tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giai đoạn quy hoạch).
3. Kinh phí lập Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp do ngân sách địa phương đảm bảo, thực hiện theo quy định hiện hành.
4. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh được lập cho mỗi giai đoạn 10 năm, có xét triển vọng 10 năm tiếp theo và được công bố chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Nghị định 68/2017/NĐ-CP Quy chế quản lý phát triển cụm công nghiệp tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.