Bạn đang xem bài viết Hướng dẫn quy trình kết nạp Đảng viên mới tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Để trở thành một Đảng viên chính thức, cần trải qua lớp nhận thức về Đảng, làm hồ sơ, thẩm tra lý lịch, rồi mới được kết nạp Đảng. Sau đó, phấn đấu 12 tháng sau mới trở thành Đảng viên chính thức được.
Sau đây Blogdoanhnghiep.edu.vn mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ quy trình, thủ tục kết nạp Đảng viên mới.
Điều kiện để kết nạp đảng
1. Tuổi đời từ 18 đến 60 tuổi
Người được kết nạp vào Đảng phải là công dân Việt Nam có tuổi đời từ đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi tại thời điểm chi bộ xét kết nạp.
Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.
2. Trình độ học vấn từ tốt nghiệp THCS trở lên
Bên cạnh điều kiện về tuổi đời, người được kết nạp vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp THCS hoặc tương đương trở lên.
Riêng với những người đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì điều kiện về trình độ học vấn được thực hiện theo Hướng dẫn của Ban Bí thư.
3. Thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng
Thêm một điều kiện kết nạp Đảng là công dân đó phải thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ Đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng.
4. Là người ưu tú và được nhân dân tín nhiệm
Người được kết nạp vào Đảng phải chứng tỏ được là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm thông qua thực tiễn. Đây chính là điều kiện quan trọng để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
5. Có lý lịch rõ ràng, trong sáng
- Những người có đơn xin kết nạp Đảng sẽ phải trải qua việc thẩm tra lý lịch khá khắt khe, không chỉ với người đó mà còn với người thân của họ.
- Cụ thể, việc thẩm tra bao gồm: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
6. Được hai Đảng viên chính thức giới thiệu
Để được kết nạp vào Đảng, công dân phải được hai Đảng viên chính thức giới thiệu. Người giới thiệu phải là người cùng công tác ít nhất 01 năm, có trách nhiệm báo cáo với chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người vào Đảng, chịu mọi trách nhiệm về sự giới thiệu của mình.
7. Trải qua thời kỳ dự bị 12 tháng
Ngoài tất cả các điều kiện nêu trên, người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị 12 tháng, tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp.
Trong thời kỳ dự bị này, chi bộ tiếp tục giáo dục, rèn luyện và phân công Đảng viên chính thức giúp Đảng viên đó tiến bộ.
Khi hết thời kỳ dự bị, chi bộ xét công nhận Đảng viên chính thức từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp.
Quy trình, thủ tục kết nạp Đảng viên năm 2021
Bước 1. Xét chọn đi học lớp nhận thức về Đảng
Chọn đoàn viên, công đoàn ưu tú nhất để tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng, rồi lập danh sách báo cáo với Đảng ủy. Sau đó, Đảng ủy duyệt danh sách, lên kế hoạch tổ chức lớp “Bồi dưỡng nhận thức về Đảng”.
Lưu ý: Buổi họp xét chọn phải có ít nhất 2/3 thành viên của đơn vị tham dự, người được xét chọn phải đạt trên 50% số thành viên có mặt đồng ý.
Sau khi học xong, sẽ được cấp giấy chứng nhận, rồi tiếp tục được bồi dưỡng, theo dõi và giúp đỡ để đưa vào diện cảm tình Đảng.
Bước 2. Giới thiệu quần chúng ưu tú vào Đảng
Sau thời gian phấn đấu, các đơn vị tổ chức họp đề nghị xét kết nạp Đảng cho quần chúng ưu tú. Buổi họp phải có ít nhất 2/3 thành viên của đơn vị tham dự theo trình tự:
- Người xin vào đảng tự nhận xét về bản thân.
- Các ý kiến đóng góp của đơn vị về: Phẩm chất chính trị; Về đạo đức, lối sống và quan hệ quần chúng; Về học tập, chuyên môn; Về quá trình hoạt động và năng lực công tác.
- Tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm.
Bước 3. Hoàn tất hồ sơ đề nghị
Sau 3 tuần họp đề nghị, các đơn vị gửi hồ sơ lên cấp trên bao gồm:
- Biên bản họp đơn vị.
- Biên bản kiểm phiếu.
- Phiếu tín nhiệm.
Sau khi nhận được hồ sơ, các chi bộ họp cho ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cho khai lý lịch. Những trường hợp đạt sẽ được đảng viên chính thức trong chi bộ theo dõi, giúp đỡ.
Các chi bộ liên hệ văn phòng Đảng ủy để nhận “Lý lịch người xin vào Đảng”. Đảng viên được phân công trong khoảng thời gian 1 tuần phải chuyển lý lịch và hướng dẫn quần chúng khai lý lịch đầy đủ trong khoảng thời gian 2 tuần kể từ ngày nhận được lý lịch, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Bước 4. Thẩm tra lý lịch
Trong thời gian 2 tuần làm việc, hồ sơ thẩm tra lý lịch phải được gửi đi để thẩm tra. Công tác thẩm tra lý lịch bao gồm thẩm tra lý lịch bản thân và gia đình, thẩm tra vấn đề sinh hoạt và chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Lưu ý: Người được cử đi xác minh lý lịch phải là đảng viên chính thức.
Bước 5. Xét kết nạp đảng viên
Sau khi thẩm tra lý lịch, đảng viên được phân công hướng dẫn viết giấy giới thiệu quần chúng vào đảng. Chi bộ họp ra nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên. Tiếp theo, tổng hợp hồ sơ xét kết nạp đảng trình Đảng ủy quyết định. Hồ sơ xét kết nạp đảng bao gồm:
- Lý lịch của người xin vào Đảng (đã xong ở phần thẩm tra).
- Đơn xin vào Đảng (viết tay, không được đánh máy – thêm phần tự nhận xét).
- Giấy giới thiệu người ưu tú vào Đảng.
- Nhận xét Đảng viên của đoàn thể.
- Tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể và nơi cư trú.
- Bản sao giấy chứng nhận học lớp nhận thức về Đảng.
- Bảng điểm học tập có xác nhận của Phòng Đào tạo (đối với sinh viên).
- Biên bản họp chi bộ xét kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng và Nghị quyết.
- Nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của Chi bộ.
- Nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của Đảng bộ.
Bước 6. Tổ chức lễ kết nạp
Khi có quyết định kết nạp Đảng viên trong vòng 1 tháng, chi bộ phải tổ chức lễ kết nạp đảng viên. Lễ kết nạp Đảng viên bao gồm các phần:
- Nghi thức Chào cờ (hát Quốc ca, Quốc tế ca).
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Người vào Đảng đọc đơn xin vào Đảng.
- Đại diện đảng viên được phân công đọc lời giới thiệu người vào Đảng.
- Đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đọc lời giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng (đối với quần chúng là đoàn viên).
- Bí thư chi bộ hoặc đại diện chi ủy đọc quyết định kết nạp đảng viên của cấp ủy có thẩm quyền (toàn thể đảng viên đứng nghiêm).
- Đảng viên mới đọc lời tuyên thệ (toàn thể đảng viên đứng nghiêm).
- Đại diện chi ủy nói rõ nhiệm vụ, quyền hạn của người đảng viên, nhiệm vụ chi bộ nơi đảng viên đó sinh hoạt và phân công đảng viên chính thức giúp đỡ đảng viên dự bị.
- Đại diện Đảng ủy cấp trên phát biểu ý kiến (nếu có).
- Bế mạc (chào cờ).
Bước 7. Đảng viên dự bị
Thời gian dự bị là 12 tháng tính từ ngày tổ chức lễ kết nạp. Trong giai đoạn này, đảng viên dự bị có các quyền và nghĩa vụ như đảng viên chính thức (trừ quyền bầu cử, ứng cử và biểu quyết). Chi bộ tiếp tục theo dõi và bồi dưỡng đảng viên dự bị.
Bước 8. Chuyển Đảng viên chính thức
Sau 12 tháng kể từ ngày được kết nạp Đảng, Đảng viên dự bị phải làm bản kiểm điểm và làm đơn đề nghị Chi bộ xem xét chuyển đảng chính thức. Hồ sơ xét chuyển đảng chính thức bao gồm:
- Đơn xin chuyển Đảng chính thức.
- Bản nhận xét của đảng viên được phân công giúp đỡ.
- Ý kiến nhận xét của BCH Công đoàn (hoặc của tổ công đoàn, có xác nhận của BCH Công đoàn cơ sở) hoặc BCH Đoàn nếu đang sinh hoạt Đoàn.
- Bản nhận xét của cấp ủy nơi cư trú đối với đảng viên dự bị.
- Tổng hợp ý kiến nhận xét của tổ chức Công đoàn và Chi bộ nơi đảng viên dự bị cư trú.
- Giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình lý luận chính trị phổ thông (lớp bồi dưỡng đảng viên mới).
- Biên bản họp Chi bộ xét chuyển chính thức.
- Nghị quyết công nhận đảng viên chính thức của Chi bộ.
- Nghị quyết công nhận Đảng viên chính thức của Đảng ủy.
Trên đây là toàn bộ quy trình để trở thành một người Đảng viên chính thức, được đứng trong đội ngũ của Đảng.
Một số vấn đề liên quan đến kết nạp đảng viên
1. Hình thức biểu quyết để quyết định hoặc đề nghị kết nạp đảng viên
Việc biểu quyết để ban hành nghị quyết hoặc quyết định đề nghị kết nạp đảng viên được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết bằng thẻ đảng viên, do hội nghị chi bộ và hội nghị của cấp ủy quyết định. Trường hợp biểu quyết không đủ tỉ lệ theo quy định để ban hành nghị quyết hoặc quyết định thì phải báo cáo đầy đủ kết quả biểu quyết lên cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Trách nhiệm của chi bộ nơi sinh hoạt tạm thời đối với người vào Đảng
– Người đang trong thời gian xem xét kết nạp được cấp ủy đảng nơi làm việc chính thức giới thiệu đến, chi bộ cơ quan, đơn vị nơi sinh hoạt tạm thời của người vào Đảng cử đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ. Khi đủ điều kiện, chi bộ gửi nhận xét về chi bộ nơi người xin vào Đảng công tác chính thức để xem xét kết nạp vào Đảng theo quy định.
– Sau khi có quyết định của cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên, chi bộ nơi ban hành nghị quyết đề nghị kết nạp tổ chức kết nạp đảng viên và làm thủ tục giới thiệu đảng viên đến sinh hoạt đảng tạm thời tại chi bộ nơi học tập, làm việc.
3. Thời hạn, thẩm quyền quyết định kết nạp đảng viên: Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ có nghị quyết đề nghị kết nạp thì cấp ủy có thẩm quyền phải xem xét, quyết định. Việc đồng ý hoặc không đồng ý, phải thông báo kết quả cho chi bộ nơi đề nghị kết nạp đảng viên biết. Nếu để quá thời hạn trên mà không có lý do chính đáng thì phải kiểm điểm trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên.
4. Thời hạn sử dụng văn bản trong hồ sơ xét kết nạp người vào Đảng
a) Quá 12 tháng, kể từ khi lập hồ sơ đề nghị xét kết nạp người vào Đảng mà chi bộ chưa xem xét đề nghị kết nạp được thì phải làm lại các tài liệu sau:
- Văn bản giới thiệu của đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ người vào Đảng.
- Nghị quyết giới thiệu đoàn viên vào Đảng của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ sở hoặc tập thể chi đoàn cơ sở; ban chấp hành công đoàn cơ sở.
- Văn bản thẩm tra bổ sung lý lịch của người vào Đảng nếu có thay đổi so với thời điểm thẩm tra lần trước.
- Ý kiến nhận xét bổ sung của tổ chức chính trị – xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy hoặc chi bộ nơi cư trú đối với người xin vào Đảng.
b) Quá 60 tháng, kể từ ngày người xin vào Đảng được cấp Giấy chứng nhận đã học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng mà chi bộ chưa xem xét đề nghị kết nạp, thì chi bộ phải giới thiệu người vào Đảng học lại để được cấp giấy chứng nhận mới trước khi xem xét, kết nạp.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Hướng dẫn quy trình kết nạp Đảng viên mới tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.