Bạn có biết erythritol là gì cũng như có tác dụng như thế nào đối với cơ thể không? Nếu chưa biết thì hãy cùng Blogdoanhnghiep.edu.vn tìm hiểu ngay bạn nhé.
Chất ngọt ít calo được nhiều người ưa chuộng bởi nó khá lành mạnh và an toàn cho cơ thể, nhất là với ai hảo ngọt. Và một trong số các chất đó được sử dụng đó là erythritol. Vậy bạn đã biết erythritol là gì chưa? Nếu chưa thì hãy cùng Blogdoanhnghiep.edu.vn tìm hiểu xem nó là gì cũng như có tác dụng thế nào đối với cơ thể ngay nhé.
Erythritol là gì?
Erythritol thuộc nhóm các hợp chất được gọi là rượu đường, có tinh thể bột màu trắng, không mùi và vị khá ngọt. Bên cạnh erythritol, còn có vài rượu đường khác dùng để làm chất tạo ngọt như xylitol, sorbitol và maltitol. Hầu hết chúng đều có lượng calo thấp và thường được tìm thấy ở trái cây và rau củ.
Đặc biệt, so với các rượu đường khác, erythritol chứa ít calo hơn cả. Nếu đường mía chứa 4 calo/g hay xylitol là 2,4 calo/g thì erythritol chỉ chứa 0,24 calo/g. Việc này nghĩa là erythritol chỉ đem lại tầm 6% lượng calo trong cùng lượng đường như nhau. Song, dù chỉ 6% calo nhưng nó chứa tới 70% chất làm ngọt.
Ứng dụng của erythritol
Từ năm 1990, Nhật đã dùng erythritol trong thực phẩm như: Socola, singum, sữa chua, bánh quy, rau câu, mứt, đồ uống ít chất béo,… Đến năm 1997, erythritol được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận an toàn và năm 2001, FDA đã phê duyệt chúng được dùng làm phụ gia thực phẩm ở Mỹ.
Đến nay, erythritol đã được dùng cho thực phẩm hơn 50 quốc gia, gồm Canada, Brazil, Mexico, Australia, Liên minh châu Âu (năm 2008),…
Ngoài ra, erythritol cũng được dùng cho các loại thực phẩm giảm calo bằng cách kết hợp với chất làm ngọt calo thấp khác như acesulfame kali, aspartame. Hoặc polyols khác như sorbitol, xylitol để tạo vị ngọt nhẹ và không gây dư vị.
Không những thế, erythritol còn được kết hợp với các chất tạo ngọt nhân tạo nhằm cải thiện mùi vị sản phẩm. Đồng thời, chúng cũng có thể làm tăng thêm khối lượng và kết cấu, giữ ẩm,… khá hiệu quả.
Tác dụng của erythritol đối với cơ thể
Giúp giảm cân
Theo Harvard Health Publishing – Bộ phận giáo dục sức khỏe người tiêu dùng của Trường Y Harvard (dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ David H. Roberts), việc dùng erythritol thay thế đường có thể giúp giảm lượng calo nạp vào cơ thể cũng như giảm trọng lượng cơ thể dễ dàng hơn.
Song, bạn cũng nên ăn các món ngọt có chừng mực bởi chúng vẫn có thể chứa calo từ các thành phần khác. Do đó, lượng calo có nguy cơ tăng lên nếu bạn ăn quá nhiều, không kiểm soát hợp lý.
Giảm tình trạng sâu răng
Theo một nghiên cứu vào tháng 08/2016 ở Tạp chí Quốc tế Nha khoa, không giống các loại đường khác, erythritol cũng như vài loại rượu đường (xylitol,…) rất ít ảnh hưởng tới răng hay gây sâu răng. Chúng còn có thể ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây hại ở khoang miệng nữa đấy.
Ít ảnh hưởng lượng đường trong máu
Theo Mayo Clinic – Trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận của Mỹ, không giống các chất làm ngọt nhân tạo, erythritol cũng như rượu đường đều là carbohydrate. Vì thế, chúng vẫn có khả năng làm tăng lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, cơ thể con người sẽ không hấp thụ hoàn toàn lượng erythritol đó nên chúng có thể không ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu so với các chất tạo ngọt khác.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Trong một cuộc nghiên cứu ở 24 người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 2, kết quả cho thấy rằng người uống 36g erythritol/ngày trong suốt một tháng đã cải thiện chức năng của mạch máu và có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim hiệu quả.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu khác trên các chú chuột bị tiểu đường, kết quả cũng cho thấy erythritol hoạt động như chất chống oxy hóa, có thể làm giảm tổn thương mạch máu do lượng đường trong máu cao.
Tác hại khi sử dụng erythritol
Gây ra các vấn đề về tiêu hóa
Khi bạn dùng erythritol thì sẽ có tầm 90% chất hấp thụ vào máu, 10% còn lại không tiêu hóa được sẽ đi xuống ruột kết. Khác với hầu hết các rượu đường khác, erythritol có thể chống lại sự lên men của vi khuẩn ruột kết.
Do đó, theo một nghiên cứu về việc sử dụng erythritol và xylitol, kết quả cho thấy khi dùng 50g erythritol trong một liều duy nhất sẽ làm tăng cảm giác buồn nôn và dạ dày cồn cào. Nghĩa là khi bạn ăn lượng lớn cùng một lúc thì nó có khả năng gây đau bụng. Song, độ nhạy cảm với erythritol giữa mọi người là khác nhau.
Có thể dị ứng da
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2000 trên Tạp chí Da liễu, erythritol có thể gây ra phản ứng dị ứng da như phát ban, nổi mề đay, mụn nhọt,… ở vài người. Tuy nhiên, tác dụng phụ này thường rất hiếm gặp.
Những lưu ý khi sử dụng erythritol
Qua tác dụng phụ về erythritol, khi sử dụng, bạn không nên tiêu thụ quá 1g erythritol cho mỗi kg trọng lượng cơ thể (ví dụ không quá 68g erythritol cho người cân nặng 68kg).
Nếu dùng erythritol bạn có dấu hiệu bất thường, khó chịu, dị ứng,… thì hãy dừng lại và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Nguồn: Tạp chí Healthline
Hy vọng qua chia sẻ trên, bạn đã biết được erythritol là gì cũng như có tác dụng như thế nào đối với cơ thể rồi nhé. Tuy chúng ít ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhưng bạn cũng không nên quá lạm dụng để tránh gặp phải tác dụng phụ nha.
Blogdoanhnghiep.edu.vn