Bạn đang xem bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam lần 3 – Có đáp án tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn
Để hỗ trợ các bạn thí sinh đang ôn thi THPT quốc gia 2017 có nhiều tài liệu ôn tập và tham khảo, Blogdoanhnghiep.edu.vn xin gửi đến các bạn Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam lần 3. Đề thi có đáp án đi kèm giúp các bạn rèn luyện và củng cố lại kiến thức của môn Văn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 sắp tới.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Kiên Giang (Có đáp án)
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn có đáp án
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 1)
SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN BỈNH KHIÊM |
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2017 LẦN 3 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề) |
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản được trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Đời là một chuyến đi không biết điểm đến. Rất ít ai đến được điểm mình dự định. Thông thường ta bắt đầu cuộc hành trình với một ý niệm đích đến trong đầu chỉ để nhận ra rất sớm là cuộc đời có nhiều chỗ rẽ bất ngờ, và sau một lúc thì ta chẳng chắc chắn là đời rồi sẽ về đâu. Nhưng như vậy thì đời mới vui. Đọc truyện mà biết được đoạn cuối ngay từ khởi đầu thì cụt hứng rồi. Điều đó có nghĩa là đường đời không phải là đường thẳng mà đường quanh co ngoằn ngèo, cứ như đường rừng. Đôi khi đi cả chục cây số rồi mới khám phá ra là mình lại quay về điểm khởi hành.
Khái niệm đường vòng này rất ích lợi trong kế hoạch sống của chúng ta. Nếu ta biết đời không phải là đường thẳng và ta có thể vòng lại điểm mình đã qua, thì tốt hơn là trên mỗi bước đi, ta nên ném ra vài hạt trái cây, ngũ cốc bên đường, hy vọng là dọc đường sẽ mọc nhiều cây trái, để lúc nào đó nếu ta vòng lại thì có thể đã có sẵn trái ngon chờ đợi. Đi đến đâu gieo hạt giống đến đó, tức là sống hôm nay mà trồng cho ngày mai.
Cho nên nếu sống khôn ngoan thì ta gieo hạt trên mỗi bước đi.
(Trích từ “Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống”, tác giả Trần Đình Hoành, NXB Phụ Nữ, 2012.)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trích đã dẫn. (0,5 điểm)
Câu 2: Hình ảnh “gieo hạt giống” trong văn bản trích đã dẫn được sử dụng theo phương thức tu từ nào? (0,5 điểm)
Câu 3: Tóm tắt nội dung chính của văn bản trích nêu trên. (1,0 điểm)
Câu 4: Giải thích ngắn gọn ý nghĩa được gửi gắm trong cụm từ “sống khôn ngoan” ở câu cuối của văn bản. (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ gợi ý của văn bản trên, anh chị hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về tư tưởng “gieo hạt trên mỗi bước đi”.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong tác phẩm “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành), nhân vật cụ Mết đã phát biểu một chân lý lịch sử trong thời đại chống Mỹ: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.
Anh/chị hãy phân tích những bi kịch trong cuộc đời nhân vật Tnú để làm sáng tỏ chân lý trên.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
A. Hướng dẫn chung
– Thầy cô giáo cần nắm bắt được nội dung trình bày của học sinh để đánh giá một cách tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm. Cần chủ động và linh hoạt khi vận dụng Hướng dẫn chấm này.
– Trân trọng những bài viết có cách nhìn riêng, cách trình bày riêng.
– Điểm lẻ toàn bài tính đến 0,25đ. Sau đó làm tròn số đúng quy định
B. Hướng dẫn cụ thể:
I. ĐỌC HIỂU:
1. Nghị luận. 0,5
2. Phương thức tu từ ẩn dụ. 0,5
3. Đời là một con đường vòng, lắm khi ta sẽ trở lại đoạn đường mình đã đi qua, nên sống khôn ngoan là biết gieo hạt trên mỗi bước đi. 1,0
4. Sống hôm nay mà biết lo cho ngày mai. 1,0
II. LÀM VĂN:
Câu 1:
1/ Yêu cầu chung:
Thí sinh biết kết hợp kiến thức (sách vở, đời sống) và kỹ năng tạo lập đoạn văn để làm bài. Đoạn văn phải đúng hướng, rõ ràng, chặt chẽ, đảm bảo tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2/ Yêu cầu cụ thể:
* Đảm bảo cấu trúc một đoạn nghị luận. (Nếu thí sinh viết 2 đoạn trở lên thì mất điểm phần này). 0,5
* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Biết chuẩn bị cho ngày mai bằng lối sống tốt đẹp hôm nay. 0,5
* Triển khai vấn đề cần nghị luận: 1,0
Định hướng chính:
– “Gieo hạt trên mỗi bước đi” là sống tốt đẹp ngay hôm nay để mai sau sẽ đón nhận được kết quả tốt.
– Đó là phương châm sống khôn ngoan, là chuẩn bị cho tương lai một cách tích cực.
– Sống tốt đẹp, đôi khi ta sẽ không phải chờ đợi đến ngày mai mà có thể sẽ nhận được kết quả ngay từ hôm nay.
Câu 2:
Yêu cầu chung:
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng để tổ chức bài văn nghị luận văn học.
– Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
1/ Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận 0,25
2/ Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là cầm vũ khí để chống lại kẻ thù tàn ác. (Hoặc: Sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng là con đường sống còn tất yếu của nhân dân miền Nam thời kì chống Mĩ). 0,5
3/ Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự phân tích sắc sảo và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặc chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng
a/ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận. 0,5
b/ Phân tích, chứng minh: 2,0
* Về nội dung:
b.1/ Giải thích ý nghĩa của lời phát biểu:
– Bối cảnh: Lời kết luận xuất hiện sau khi cụ Mết kể cho dân làng nghe về bi kịch trong cuộc đời Tnú.
– Ý nghĩa: Trong hoàn cảnh kẻ thù tàn ác đã cầm vũ khí, đã sử dụng bạo lực hòng huỷ diệt sự sống của chúng ta thì lựa chọn tất yếu của chúng ta là làm cách mạng để bảo vệ sự sống.
b.2/ Phân tích bi kịch trong cuộc đời nhân vật Tnú:
– Phần chính của câu chuyện kể về cuộc đời nhân vật Tnú bắt đầu từ sự việc giặc kéo về làng để tiêu diệt phong trào nổi dậy ở Xô Man. Chúng bắt vợ con Tnú và tra tấn dã man bằng gậy sắt. Cả Mai và con đều gục chết dưới đòn thù.
+ Sự việc diễn ra trước mắt Tnú. Và anh đã không cứu sống được vợ con, dẫu bằng tất cả yêu thương và căm thù, anh đã lao vào bọn giặc với sức mạnh của mình.
+ Tnú không cứu sống được vợ con. Và cũng không bảo vệ được chính mình. Bản thân anh cũng bị giặc bắt, đốt cháy mười đầu ngón tay bằng nhựa xà nu.
+ Bi kịch trong cuộc đời Tnú là bi kịch hạnh phúc bị đập vỡ, sự sống bị bóp chết.
+ Bi kịch trong cuộc đời Tnú tiêu biểu cho bi kịch của dân làng Xô Man nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung trong kháng chiến chống Mỹ.
– Nguyên nhân của bi kịch ấy là vì Tnú “chỉ có hai bàn tay trắng”, vì Tnú và dân làng chưa kịp cầm vũ khí để chống lại kẻ thù tàn ác.
– Bi kịch được giải quyết khi dân làng cầm vũ khí chống lại kẻ thù. Lửa bạo tàn bị dập tắt, sự sống được tiếp nối.
* Về nghệ thuật:
– Diễn biến câu chuyện giàu kịch tính, giọng điệu vừa đau thương vừa hào hùng, giàu chất sử thi, lựa chọn được những chi tiết nghệ thuật đặc sắc…
c/ Đánh giá chung:
– Về nghệ thuật: Thành công trong việc phát biểu chân lý lịch sử bằng hình tượng nghệ thuật đặc sắc.
– Về nội dung: Vấn đề có tính chân lý lịch sử lớn lao và đã góp phần tạo nên sức sống lâu bền của tác phẩm “Rừng xà nu”.
4/ Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận 0,5
5/ Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I + II = 10,0 điểm
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam lần 3 – Có đáp án tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.