Bạn đang xem bài viết Bệnh hắc lào, nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Hắc lào – một bệnh da liễu gây ra cảm giác ngứa ngáy và vô cùng khó chịu cho người bệnh. Vậy bệnh hắc lào có nguyên nhân là gì, có nguy hiểm không? Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về căn bệnh này nhé.
Bệnh hắc lào là gì?
Hắc lào hay còn gọi là bệnh lác đồng tiền (Ringworm) – một bệnh da liễu do vi nấm thuộc nhóm dermatophytes gây nên. Biểu hiện ban đầu thường xuất hiện các ban hình tròn như đồng tiền, viền đỏ và ngứa ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Nếu được chữa trị đúng cách, bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi và không để lại biến chứng.
Bệnh hắc lào có nguy hiểm không?
Bệnh hắc lào là bệnh da liễu thường không nguy hiểm hay ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh ảnh hưởng đến tinh thần, gây ra cho người bệnh cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và nhiều bất tiện trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Nếu bệnh không được điều trị đúng cách có thể để lại các vết thâm, sẹo trên da gây mất thẩm mỹ.
Hắc lào có lây không?
Tuy không gây nguy hiểm nhưng khả năng lây lan của bệnh hắc lào là điều đáng lo ngại. Bệnh không chỉ có khả năng lây lan ra các vùng da trên các bộ phận khác mà còn lây cho cả những người sống chung hay tiếp xúc cơ thể với người bệnh.
Việc sống chung, mặc chung quần áo, dùng chung khăn hay việc phơi đồ sát nhau cũng có thể là nguyên nhân lây bệnh.
Nguyên nhân bệnh hắc lào
Hắc lào là do nấm da gây ra và bạn có thể nhiễm nấm lây từ người khác hoặc từ môi trường. Khả năng nhiễm nấm sẽ cao hơn nếu bạn có những thói quen hay một số yếu tố nguy cơ sau đây:
- Trẻ dưới 15 tuổi.
- Cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ: Thói quen mặc quần áo ẩm ướt, ít tắm gội, vệ sinh trong khi cơ thể có nhiều mồ hôi. Đây chính là thói quen xấu tạo điều kiện cho các vi khuẩn, nấm phát triển.
- Bơi lội, tắm rửa tại vùng nước bị nhiễm bẩn.
- Sống chung tập thể, nơi đông người và ẩm thấp.
- Mặc chung quần áo với người khác là điều kiện để các vi khuẩn, nấm gây các bệnh da liễu nói chung dễ lây lan từ người này sang người khác.
- Tiếp xúc trực tiếp với da của người nhiễm bệnh: Một số môn thể thao dễ tiếp xúc như võ thuật, Judo… hay các hành động ôm, hôn, quan hệ tình dục với người bệnh đều tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.
- Có thể lây nhiễm từ động vật có nấm, vi khuẩn gây bệnh.
- Mặc quần áo bó chật, không thoáng khí.
- Cơ thể có hệ miễn dịch kém.
Triệu chứng bệnh hắc lào
Các biểu hiện trên da khi mắc bệnh hắc lào thường khá đặc trưng và dễ phân biệt với các bệnh da liễu khác. Chúng ta có thể nhận biết qua những biểu hiện trên da sau đây:
- Bệnh thường xuất hiện ở các kẽ da có nếp gấp lớn như nếp lằn mông, vùng thắt lưng quanh bụng, hai bên bẹn,… và cả những vùng kín.
- Dấu hiệu bắt đầu thường là một nốt đau nhỏ giống mụn rồi lan ra to dần, sau đó xuất hiện các mảng da màu đỏ hoặc nâu và sần sùi có vảy, đồng thời có viền xung quanh hình chiếc nhẫn màu đỏ sậm.
- Ngứa dữ dội và khó chịu là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh hắc lào, đặc biệt là ở gần mảng da hoặc vị trí đau. Triệu chứng này thường xuất hiện khi cơ thể ra mồ hôi.
Nếu cảm thấy ngứa/khó chịu, kèm các triệu chứng khác, có thể bạn đã bị hắc lào và cần được chẩn đoán.
Các vị trí thường bị hắc lào
Hắc lào thường gây bệnh ở các vị trí kẽ, nếp gấp nhăn trên da như kẽ chân, tay, vùng thắt lưng quanh bụng, hai bên bẹn hay những vùng dễ nóng ẩm có các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh mẽ.
Không chỉ hắc lào mà những loại nấm hay vi khuẩn khác cũng thường gây bệnh ở những vị trí này vì đây là những vùng khó rửa sạch và dễ bị bỏ qua khi vệ sinh cơ thể.
Hắc lào ở đùi
Đây là vị trí tiếp xúc trực tiếp với quần kể cả mặt đùi trong hay ngoài, tạo ra sự cọ xát nên dễ bị ra mồ hôi gây ngứa ngáy. Nếu bạn bị hắc lào ở vùng này bạn nên thay những chiếc quần bó sát thành loại quần rộng rãi và thoải mái hơn.
Hắc lào ở chân
Chân là vị trí nhiễm nấm phổ biến vì thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài như nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc đất cát. Các kẽ ngón chân và ngón tay thường có nguy cơ bị bệnh cao hơn vì khó rửa sạch.
Hắc lào ở đầu
Khi hắc lào xảy ra trên da đầu sẽ xuất hiện tình trạng ngứa ngáy da đầu, rụng tóc, các mảng phồng rộp do mụn nước, thậm chí xuất hiện mụn mủ. Bệnh hắc lào ở da đầu thường rất khó nhận biết vì bệnh nhân không tự quan sát được nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện và điều trị.
Hắc lào dạng đa sắc
Các mảng da bị tổn thương có thể có nhiều màu sắc khác nhau như trắng hồng, hồng nâu, nâu đậm. Các nốt mụn nước khi vỡ có thể tạo ra lớp sừng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến yếu tố thẩm mỹ nhưng mức độ ngứa lại thường nhẹ hơn các dạng hắc lào khác.
Các biến chứng của hắc lào
Các bệnh về da liễu thường dai dẳng, lâu khỏi, dễ tái phát và bệnh hắc lào cũng không ngoại lệ. Nếu không có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời, căn bệnh này cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần, đời sống sinh hoạt hàng ngày hay có nguy cơ để lại cả những biến chứng như:
- Ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng ngứa ngáy, sưng đỏ vô cùng khó chịu nhất là khi thời tiết nóng ẩm và cơ thể đổ mồ hôi khiến cho người bệnh mệt mỏi. Về lâu dài có nguy cơ dẫn đến trầm cảm.
- Làm mất vẻ thẩm mỹ của làn da: Hắc lào gây ra các vùng da viêm đỏ, sưng, tróc vẩy có thể để lại các vết thâm, sạm da hay sẹo khi khỏi bệnh gây mất thẩm mỹ cho làn da. Nếu không được điều trị dứt điểm còn có thể gây ra bệnh chàm.
- Hắc lào bội nhiễm và lan rộng trên da: Việc không vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thoa thuốc không đúng cách hay không tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ có thể làm lây lan sang các vị trí khác trên cơ thể, tăng kích thước vùng viêm nhiễm, chàm hóa hay thậm chí có nguy cơ cao lây nhiễm cho người khác.
- Một vài trường hợp có thể nhiễm trùng nặng do người bệnh có hệ miễn dịch kém như bệnh nhân HIV/AIDS.
Phương pháp điều trị hắc lào
Đây là bệnh ngoài da có khả năng lây nhiễm và có thể trị khỏi nếu điều trị đúng cách. Nguyên tắc điều trị dựa trên hai yếu tố là dùng thuốc và điều chỉnh lối sống.
Bác sĩ có thể kê toa với các loại thuốc khác nhau tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh, trong trường hợp bệnh mới xuất hiện và còn nhẹ, có thể sử dụng các loại thuốc bôi tại chỗ như kem chống nấm dạng mỡ, gel hoặc thuốc xịt có chứa clotrimazole, miconazole,… hoặc các thành phần khác có liên quan.
Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể phải sử dụng các thuốc theo toa như ketoconazole, griseofulvin hoặc terbinafine.
Một số nguyên tắc bạn cần lưu ý để việc điều trị có hiệu quả như sau:
- Điều trị liên tục cho đến khi da lành, sau đó cần thoa thuốc ít nhất 2 tuần để tránh tái phát.
- Chú ý không nên gãi, cạo vùng da bị thương tổn trước khi bôi thuốc.
- Khi bôi thuốc cần làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, nếu bôi thuốc không đúng có thể làm bệnh nặng hơn. Ví dụ nếu bôi thuốc quá mạnh, bôi dây sang da lành, da non có thể gây phỏng, ngứa dữ dội…Một số ít trường hợp còn gây nhiễm khuẩn vết thương.
- Thời gian điều trị thông thường từ 2 – 4 tuần. Nếu điều trị sau 4 tuần không có dấu hiệu cải thiện nên tái khám bác sĩ. Trong hầu hết trường hợp, bệnh nhân đều đáp ứng tích cực với cách điều trị vừa nêu.
Cách phòng ngừa bệnh hắc lào
Hắc lào là một bệnh có khả năng tái phát rất cao, người bệnh có thể thấy các dấu hiệu hoàn toàn biến mất sau một thời gian điều trị nhưng chúng sẽ quay lại khi gặp điều kiện thích hợp. Vì thế, người bị hắc lào nên chú ý những điều dưới đây trong và sau khi điều trị để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh:
- Từ bỏ thói quen dùng thuốc bừa bãi: Nhiều trường hợp nhiễm bệnh nấm “cơ hội” do người bệnh lạm dụng thuốc kháng sinh, corticoid. Vì kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, còn corticoid làm giảm sự đề kháng nên các vi nấm có điều kiện tăng sinh.
- Diệt nấm: Rắc bột chống nấm ở những vật dụng cá nhân như quần áo, mùng mền, chiếu gối…
- Không dùng chung đồ cá nhân với người khác, tránh làm việc trong môi trường nóng ẩm, ra nhiều mồ hôi.
- Giữ cho cơ thể luôn khô ráo, thoáng mát (lựa chọn quần áo phù hợp).
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ thường xuyên.
- Tránh động vật bị nhiễm bệnh.
Hắc lào là một bệnh da liễu phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, chữa bệnh hắc lào tận gốc là việc làm cần thiết, tránh tái phát và lây nhiễm cho người khác.
Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp. Bạn nên tuân thủ các nguyên tắc điều trị, không nên tự ý dùng thuốc để tránh làm cho bệnh nặng hơn.
Xem thêm:
- Bệnh lang ben là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị.
- Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa vi khuẩn ăn thịt người.
- Quai bị kiêng gì? Các thực phẩm không nên ăn khi bị quai bị.
- Đậu mùa khỉ lây lan như thế nào? Các con đường lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.
Trên đây là những thông tin khái quát về khái niệm, nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm cho bệnh hắc lào. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích và nếu thấy hay hãy chia sẻ cho những người xung quanh của mình bạn nhé.
Nguồn: Mayoclinic, Sở y tế Nam Định.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bệnh hắc lào, nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.