Bạn đang xem bài viết Bài thơ Chuyện cổ tích về loài người Tác giả Xuân Quỳnh tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bài thơ Chuyện cổ tích về loài người là câu chuyện về nguồn gốc của loài người, bộc lộ sự yêu thương với trẻ em.
Blogdoanhnghiep.edu.vn sẽ giới thiệu tài liệu về tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm Chuyện cổ tích về loài người. Mời bạn đọc cùng tham khảo ngay sau đây.
Chuyện cổ tích về loài người
Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác
Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu!
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ
Màu xanh bắt đầu cỏ
Màu xanh bắt đầu cây
Cây cao bằng gang tay
Lá cỏ bằng sợi tóc
Cái hoa bằng cái cúc
Màu đỏ làm ra hoa
Chim bấy giờ sinh ra
Cho trẻ nghe tiếng hót
Tiếng hót trong bằng nước
Tiếng hót cao bằng mây
Những làn gió thơ ngây
Truyền âm thanh đi khắp
Muốn trẻ con được tắm
Sông bắt đầu làm sông
Sông cần đến mênh mông
Biển có từ thuở đó
Biển thì cho ý nghĩ
Biển sinh cá sinh tôm
Biển sinh những cánh buồm
Cho trẻ con đi khắp
Đám mây cho bóng rợp
Trời nắng mây theo che
Khi trẻ con tập đi
Đường có từ ngày đó
Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…
Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ
Chuyện con cóc, nàng tiên
Chuyện cô Tấm ở hiền
Thằng Lý Thông ở ác…
Mái tóc bà thì bạc
Con mắt bà thì vui
Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện
Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất…
Chữ bắt đầu có trước
Rồi có ghế có bàn
Rồi có lớp có trường
Và sinh ra thầy giáo…
Cái bảng bằng cái chiếu
Cục phấn từ đá ra
Thầy viết chữ thật to
“Chuyện loài người” trước nhất.
I. Đôi nét về tác giả Xuân Quỳnh
– Xuân Quỳnh sinh năm 1942 và mất năm 1988, tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.
– Quê ở làng An Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
– Xuân Quỳnh từng làm diễn viên múa của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Tại đây, Xuân Quỳnh bắt đầu làm thơ. Những bài thơ đầu tiên của Xuân Quỳnh bộc lộ một tâm hồn tươi trẻ, nồng nhiệt, phong phú và giàu khát vọng.
– Từ năm 1963, Xuân Quỳnh chuyển sang làm báo, làm biên tập ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, được bầu vào Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa III.
– Xuân Quỳnh mất đột ngột cùng chồng là Lưu Quang Vũ vì tai nạn giao thông ở Hải Dương.
– Bà là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc của Việt Nam, được mệnh danh là nữ hoàng thơ tình yêu của Việt Nam.
– Thơ của Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn da diết khát vọng hạnh phúc đời thường.
– Một số tác phẩm tiêu biểu:
- Các tập thơ: Chồi biếc (1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Lời ru trên mặt đất (1978), Chờ trăng (1981), Tự hát (1984). Trong đó có một số bài thơ đặc biệt nổi tiếng: Thuyền và biển, Sóng, Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu…
- Một số tác phẩm viết cho thiếu nhi: Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi, 1981), Bầu trời trong quả trứng (thơ văn thiếu nhi, 1982)… Mảng sách này mang đến cho trẻ em những tình cảm trong trẻo, trìu mến và một cái nhìn hóm hỉnh, thông minh.
II. Giới thiệu về Chuyện cổ tích về loài người
1. Thể thơ
Chuyện cổ tích loài người được sáng tác theo thể thơ năm chữ
2. Bố cục
Gồm 4 phần:
- Từ đầu đến “Chưa có màu sắc khác”: sự ra đời của trẻ con
- Tiếp theo đến “Đường có từ ngày đó”: sự ra đời của vạn vật tự nhiên
- Tiếp theo đến “Hình tròn là trái đất”: sự ra đời của các thành viên trong gia đình
- Còn lại: sự ra đời của trường học
3. Đọc hiểu
a. Sự ra đời của loài người
– Sinh ra trước nhất: toàn là trẻ con
– Khung cảnh thuở sơ khai:
- Không dáng cây ngọn cỏ.
- Chưa có mặt trời, toàn là bóng đêm.
- Không có màu sắc khác.
b. Sự ra đời của thiên nhiên
– Mặt trời: giúp trẻ con nhìn rõ.
– Cây, cỏ, hoa: giúp trẻ con nhận rõ màu sắc, kích thước.
– Tiếng chim, làn gió: giúp trẻ con cảm nhận được âm thanh.
– Sông: giúp trẻ con có nước để tắm
– Biển: giúp trẻ con suy nghĩ, cung cấp thực phẩm và là nơi tìm hiểu, khám phá.
– Đám mây: đem đến bóng mát.
– Con đường: giúp trẻ con tập đi.
=> Thiên nhiên không chỉ là nơi sinh sống, mà những sự vật trong thiên nhiên sẽ phục vụ cho cuộc sống của con người.
c. Sự ra đời của gia đình
– Mẹ: mang đến tình yêu thương và lời ru, sự chăm sóc.
– Bà: mang đến những câu chuyện cổ tích, dạy dỗ những giá trị văn hóa tốt đẹp.
– Bố: dạy dỗ những kiến thức, giúp trẻ em hiểu biết.
=> Gia đình là nơi luôn che chở và yêu thương cho con người.
d. Sự ra đời của xã hội
– Chữ viết, bàn ghế, cục phấn, cái bảng, trường học… đều là những đồ dùng học tập của con người.
– Thầy giáo, cô giáo là người dạy dỗ, cung cấp kiến thức.
=> Giáo dục có vai trò quan trọng đối với con người.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bài thơ Chuyện cổ tích về loài người Tác giả Xuân Quỳnh tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.