Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 12: Phân tích sự nghịch lý trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Dàn ý + 4 mẫu) Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Phân tích những nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa gồm gợi ý cách viết kèm theo 4 bài văn xuất sắc của các học sinh giỏi. Qua đó giúp các bạn sẽ được trang bị kiến thức, suy nghĩ sâu sắc về những nghịch lí để nhanh chóng biết cách viết bài văn phân tích hay.
TOP 4 bài phân tích những nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa cực chất dưới đây không chỉ giúp các em học sinh rèn luyện kĩ năng viết văn mà còn giúp trau dồi kiến thức, cải thiện kỹ năng viết văn phân tích tác phẩm hay, có thêm sự tự tin, chủ động trong các kì thi. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu: phân tích nhân vật Phùng, phân tích bà cụ tứ, phân tích nhân vật Tràng.
Dàn ý phân tích nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa
I. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
II. Thân bài
1. Giới thiệu chung
– Nguyễn Minh Châu là nhà văn giàu tâm huyết, luôn trăn trở về một nền văn học xứng đáng với tầm vóc dân tộc và với sự kì vọng của nhân dân.
– Từ cảm hứng sử thi lãng mạn, huyền ảo đã từng tạo nên vẻ đẹp rực rỡ trong các tác phẩm thời kì chiến tranh, cảm hứng của ông dần dần chuyển sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá ý nghĩa bản chất con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Hai tập truyện ngắn “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1983) và “Bến quê” (1985) đã đưa Nguyễn Minh Châu lên vị trí “Người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) của văn học nước ta từ sau năm 1975.
– Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được in lần đầu tiên trong tập “Bến quê“, sau được tác giả lấy làm tên chung cho cả tuyển tập truyện ngắn của mình, in năm 1987. Trong thiên truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng được một tình huống truyện vô cùng đặc sắc.
2. Phân tích
– Tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện
– Ở ngoài bãi biển
- Phát hiện thứ nhất đầy thơ mộng: Bức tranh thiên nhiên toàn bích của chiếc thuyền lưới vó đang tiến gần bờ trong buổi sớm mai “trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu… tôi tưởng chính mình vừa khám phá cái chân lí của sự hoàn thiện…”. Trong đôi mắt người nghệ sĩ khát khao cái đẹp thì đó là “cảnh đắt trời cho” chứa đựng chân lí sự hoàn thiện, khiến tâm hồn anh như được gột rửa, thanh lọc.
- Phát hiện thứ hai đầy nghịch lí, phi nghệ thuật: Cảnh tượng xấu xí: người đàn bà xấu xí, mệt mỏi, người đàn ông cục mịch, hung bạo. Thiếu tính người: người chồng đánh đập vợ thô bạo, đứa con bảo vệ mẹ, đánh lại cha => Người nghệ sĩ cay đắng nhận ra: đằng sau cái đẹp cảnh “đắt” trời cho là khung cảnh xấu xí, chứa đựng sự thật tàn nhẫn – nạn bạo hành gia đình.
– Trong toà án huyện
+ Người đàn bà dù bị đánh đập, bị nguyền rủa mỗi ngày bởi người chồng vũ phu nhưng khi tòa khuyên bà bỏ chồng thì bà lại van xin “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Với bà “người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông” là rất khó khăn. Dù người đó có vũ phu thì cũng cần đến những lúc sóng gió ngoài biển khơi.
– Niềm vui của bà là được ngắm con cái ăn no, ngủ say và chờ đợi những đôi lúc “vợ chồng con cái hòa thuận vui vẻ”, người đàn bà trên thuyền sống vì con.
- Câu chuyện người đàn bà khiến Phùng và Đẩu một lần nữa nhận thức sâu hơn về cuộc đời:
- Cuộc sống mưu sinh có thể làm người hiền lành trở nên thô bạo
- Đằng sau vẻ xấu xí kia thì người đàn bà lại nhân hậu, vị tha, hiểu đời
- Vị chánh án nhận ra cuộc sống hôn nhân không dễ dàng giải quyết được bằng cách dứt khoát như anh nghĩ.
- Nhà nhiếp ảnh nhận ra nghệ thuật thì đẹp đấy nhưng cuộc đời sinh ra nghệ thuật vẫn nhiều khiếm khuyết. Hình thức bên ngoài của người đàn bà không nói lên được lòng vị tha, nhân hậu và nỗi đau bên trong. Người cán bộ đôi khi lại chưa thể thấu hiểu vì còn thiếu trải nghiệm.
3. Ý nghĩa
– Tư tưởng và chủ đề của tác phẩm được thể hiện qua tình huống truyện: Đó là những phát hiện sâu sắc của người nghệ sĩ về cuộc đời, con người, sự gắn kết giữa nghệ thuật và đời sống.
- Cuộc đời vốn là bức tranh nhiều màu sắc, nhiều nghịch lý mà khi nhìn vẻ bề ngoài khó lòng mà đánh giá. Từ cái nhìn của chánh án Đẩu, tác giả cho ta cái nhìn đa chiều, toàn diện.
- Đôi khi thiện chí không là chưa đủ để giúp đỡ ai đó, cần phải gắn liền với thực tế để trải nghiệm, thấu hiểu họ.
- Mỗi chúng ta cần nhìn lại bản thân để hoàn thiện nhân cách.
- Nghệ thuật không thể tách rời cuộc đời, nó phải có cội rễ từ đời sống và phản ánh đời sống chân thật nhất.
– Tình huống truyện còn mang ý nghĩa nền tảng để nhà văn xây dựng thành công nhân vật:
- Người đàn bà hàng chài với nỗi khổ cả thể xác lẫn tâm hồn thế nhưng vẫn ngời lên đức tính tốt đẹp của người phụ nữ.
- Người chồng là kết quả của cuộc sống túng thiếu, bế tắc
- Phùng – người nghệ sĩ tha thiết với cuộc đời, Đẩu – chánh án có lòng tốt nhưng cả hai còn thiếu kinh nghiệm sống.
– Tình huống truyện còn lôi cuốn người đọc bởi nhiều sự vỡ ra, bất ngờ.
– Tình huống truyện chứa đựng giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của nhà văn:
- Giá trị hiện thực: Cuộc sống đói nghèo lạc hậu tăm tối là nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành gia đình. Cuộc chiến đấu bảo vệ quyền sống của cả dân tộc trải qua bao hi sinh gian khổ nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống của từng con người còn đầy cam go, lâu dài, cần có sự quan tâm của cách mạng, của cộng đồng
- Giá trị nhân đạo: Sự chia sẻ cảm thông của tác giả với những số phận đau khổ tủi nhục của những người lao động vô danh đông đảo trong xã hội. Lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại trong từng gia đình. Phát hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động.
III. Kết bài
– Tình huống truyện là một thành công lớn của truyện ngắn nói chung và của tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” nói riêng.
– Với tình huống truyện độc đáo sẽ tạo ra tài năng của tác giả.
Những nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 1
Nguyễn Minh Châu là người mở đường tinh anh và tài hoa của nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới, các tác phẩm của ông thường thể hiện nỗi trăn trở, băn khoăn về cuộc đời, con người, qua mỗi hiện tượng, vấn đề đều gợi cho người đọc những suy ngẫm sâu sắc. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những truyện ngắn như vậy. Thông qua những tình huống nghịch lí, tác giả Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm bao thông điệp về cuộc đời, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.
Có thể nói một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là nhờ xây dựng tình huống mang tính nghịch lí đầy đặc sắc. Trong khung cảnh cảnh biển sáng sớm như bức họa cổ lại xuất hiện cảnh bạo lực gia đình. Khi đang say mê chụp lại những khoảnh khắc có một không hai thì nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đã ngỡ ngàng chứng kiến cảnh người đàn ông cao lớn, thô lỗ liên tục dùng thắt lưng đánh vào người đàn bà tội nghiệp. Lão ta vừa đánh vừa chửi rủa những lời tàn nhẫn “mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Trước hành động bạo tàn cùng những lời nói tàn nhẫn, người đàn bà không hề phản kháng cũng không bỏ trốn mà cam chịu một cách đáng thương.
Có thể nói, nghịch lí mà Phùng phát hiện cũng chính là nghịch cảnh giữa nghệ thuật với cuộc đời thực của con người. Đó là nghịch cảnh giữa bức tranh cảnh biển tuyệt bích đầy lãng mạn với cuộc sống thực đầy đau khổ, bi kịch của gia đình người đàn bà hàng chài. Từ phát hiện này, nhiếp ảnh gia Phùng đã bừng tỉnh và nhận thức đầy đắng cay về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Sau khi chứng kiến cuộc sống như địa ngục của người đàn bà hàng chài, Phùng đã không về thành phố ngay dù đã hoàn thành xong bộ ảnh lịch mà quyết định ở lại một vài ngày để cùng với chánh án Đẩu giúp đỡ người đàn bà li dị với chồng. Tuy nhiên, tại tòa án tỉnh, một lần nữa Phùng chứng kiến một nghịch lí mà mình không hề ngờ đến.
Sống một cuộc sống như địa ngục cùng người chồng vũ phu, bạo tàn “ Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng.Cả nước không có một người chồng nào như hắn” nhưng khi được Phùng và Đẩu giúp đỡ li dị chồng thì người đàn bà ấy lại có phản ứng trái ngược. Trước sự ngạc nhiên của Phùng và Đẩu, người đàn bà đã quỳ lạy và cầu xin để không bắt mình bỏ chồng “ Con lạy quý tòa, quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được đừng bắt con bỏ nó”.
Trước lời cầu xin của người đàn bà, lúc đầu Phùng cảm thấy bất bình và không sao hiểu được nhưng trước những lời giải thích của người đàn bà, Phùng đã nhận ra chân lí trong những góc khuất của cuộc đời mà nếu nhìn từ bên ngoài không thể nào nhận thức rõ ràng được. Người đàn ông vốn là người hiền lành, giàu tình thương, hắn ta đã từng cưu mang người đàn bà hàng chài trong lúc khó khăn nhất. Theo lời giải thích của người đàn bà, chỉ vì cuộc sống quá khổ mà người đàn ông sinh bạo tàn, đánh vợ là cách thức hắn ta trút bỏ mọi áp lực, khó khăn của cuộc sống.
Như vậy, người đàn ông đánh vợ không phải do bản chất độc ác mà do quá khổ. Theo lời người đàn bà, cuộc sống trên biển cần bàn tay chèo lái của người đàn ông khi biển có phong ba, bão táp “ đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba”. Sống trong cuộc sống đau khổ, đọa đầy đó nhưng cũng có lúc người đàn bà cảm thấy hạnh phúc, đó là khi các con được ăn no. Từ nghịch lí trong cuộc sống của người đàn bà hàng chài, Phùng và Đẩu đã “vỡ ra trong đầu” nhiều điều mới mẻ về nhân tình thế thái, về cuộc sống thực tế của con người.
Thông qua hai nghịch lí trong Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả Nguyễn Minh Châu đã thể hiện mối trăn trở về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ với hiện thực của đời sống. Bản chất của đời sống vốn phức tạp và nhiều góc khuất, nếu không nhìn sâu vào từng vấn đề, hiện tượng thì sẽ không nhận thức toàn diện về cuộc sống, cũng như cái nhìn của “chiếc thuyền ngoài xa”.
Phân tích nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 2
Nguyễn Minh Châu là nhà văn với phong cách sáng tác giàu tính biểu tượng trong nền văn học Việt Nam. Những tác phẩm của ông luôn khiến người đọc phải trằn trọc, suy nghĩ rất nhiều. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một câu chuyện giàu sức gợi cảm như thế.Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo nên những tình huống truyện khá độc đáo, tạo cho người đọc sự suy nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống và đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng của xã hội là khi nhìn cuộc sống chúng ta phải có cái nhìn đa chiều, chúng ta mới hiểu cuộc sống sâu sắc hơn.
Một tình huống truyện khá độc đáo mà Nguyễn Minh Châu đã tạo ra trong truyện ngắn này đó là khi người đàn bà được Đẩu (Bao Công của cái chuyện ven biển này) mời đến huyện để khuyên người đàn bà ly hôn với chồng. Sau khi thấy các biện pháp giáo dục, răn đe người chồng không có kết quả, chánh án Đẩu đã khuyên chị ta nên ly hôn để khỏi bị hành hạ, ngược đãi. Lúc đầu, người đàn bà sợ sệt, lúng túng, cách xưng hô nhún nhường, giọng điệu van xin khẩn khiết “Con lạy quý tòa… quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…” . Rõ ràng, đó là lời van xin bất thường, đầy nghịch lí, khiến cả Đẩu và Phùng ngạc nhiên. Người đàn bà tự tin, chỉ lộ sự sắc sảo vừa đủ để thuật lại câu chuyện đẫm nước mắt của đời mình và những lí do khiến chị ta không thể bỏ chồng, bằng một cách xưng hô mộc mạc, thân tình.
Thời thiếu nữ, bà là một cô gái kém nhan sắc, lại “rỗ mặt sau một bận lên đậu mùa”. Vì không ai lấy, bà “lỡ có mang với một anh con trai hàng chài đến mua bả về đau lưới”, rồi thành vợ chồng. Cuộc mưu sinh trên biển bấp bênh, rồi “đẻ nhiều, thuyền lại chật”… Cái đói nghèo vây bủa, có khi biển động hàng tháng “cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. cuộc sống bế tắc đã biến chồng bà thành kẻ thô bạo, vũ phu, xem việc đánh vợ là phương cách để giải tỏa nỗi đau “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Và cứ thế, “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Những trận đòn dã man cứ trút xuống người bà.
Thật nghịch lý, dù bị đầy đọa về thể xác, chịu nhiều dằn vặt về tinh thân nhưng bà vẫn cương quyết không chịu bỏ chồng. Là bởi, “đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”, lời nói ấy của bà bộc lộ rõ được sự yêu thương dành cho con của mình. Niềm vui của bà là “ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Bà hiểu được nỗi vất vả của “các người làm ăn lam lũ khó nhọc”. Với bà, người đàn ông chính là trụ cột không thể thiếu trong gia đình hàng chài “để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một lũ con nhà nào cũng trên dưới chục đứa” . Điều đó cũng có nghĩa là, để được yêu thương con cái, bà sẵn sàng chịu đựng tất cả. Cái cách hy sinh quên mình vì con của người đàn bà khiến ta phải xúc động.
Một lí do nữa liên quan đến lão chồng. Nếu Đẩu và Phùng nhìn lão như một thủ phạm gây ra bi kịch gia đình thì bà lại nhìn chồng với ánh mắt vị tha, thấu hiểu và độ lượng. Với bà, bản chất của chồn là “hiền lành, cục tính nhưng không bao giờ đánh đập vợ”, chẳng qua vì nghèo khổ quá mới thành độc ác. Vậy là, theo cách nói của bà, lão là nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh, cần phải được cảm thông chia sẻ. Và trong tận cùng đau khổ, bà vẫn chắt chiu được những khoảnh khắc hạnh phúc, đó là lúc “vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”, và “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…” những giây phút này không nhiều nhưng giúp bà thêm nghị lực để tiếp tục sống.
Lời giãi bày của người đàn bà hàng chài đã làm sáng tỏ những nghịch trong cuộc sống, giúp Đã đủ hiểu ra nhiều điều. Phùng cũng vậy, anh nhận ra tấm lòng thương con bao la của người mẹ mà với tư cách một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, anh hiểu rằng “nghệ thuật chỉ đẹp và có ý nghĩa khi nó gắn với cuộc đời và vì cuộc đời”
Câu chuyện giúp Đẩu, Phùng và cả người đọc chúng ta hiểu rằng: Không thể nhìn sự vật, hiện tượng trong cuộc sống một cách đơn giản, dễ dãi. Nếu nhìn đơn giản, chỉ cần yêu cầu người đàn bà bỏ chồng là xong. Nếu nhìn thấu suốt vấn đề sẽ thấy suy nghĩ và cách xử sự của người đàn bà hàng chài là không thể khác được.
Phân tích nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 3
Nguyễn Minh Châu là người “mở đường tinh anh nhất” của nền văn học thời kì đổi mới. Truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của ông. Truyện được sáng tác vào tháng 8-1983. Không những thế tác phẩm này còn đánh dấu sự chuyển thể từ cảm hứng lãng mạn sang cảm hứng thế sự của nhà văn. Nguyễn Minh Châu thời kì này đã đi vào tìm kiếm những hạt ngọc ẩn sau trong tâm hồn con người và khám phá những nghịch lý của cuộc sống. Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm thể hiện rõ nhất sự nghịch lý của cuộc đời mà Nguyễn Minh Châu đã khám phá và phát hiện ra.
Nghịch lý thứ nhất là bức tranh toàn cảnh thuyền và biển trong buổi sáng tinh sương lúc xa và lúc gần bờ. Nói cách khác thì ở đây chính là sự nghịch lý trong chính nghệ thuật.
Sự khám phá phát hiện ấy được thể hiện qua nhân vật nghệ sĩ Phùng. Anh là một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng được giao đi công tác tại vùng biển để chụp khoảnh khắc thuyền và biển cho bộ lịch năm ấy. Và tại đây nghệ sĩ phùng đã được chứng kiến một cảnh đẹp trời cho. Thuyền và biển trong làn sương sớm giống như “một bức tranh mực tàu của họa sĩ thời cổ”. Anh chợt nhận ra một vẻ đẹp toàn bích mà lâu nay rất gần gũi với đời sống của chúng ta.
Đúng là nghệ thuật sinh ra từ cuộc sống này. Mọi đường nét của bức ảnh ấy đều hài hòa nhẹ nhàng. Mũi thuyền in những nét lòa nhòa trong làn sương sớm ấy. Chứng kiến ấy Phùng thấy lòng mình trong trẻo thanh cao hơn. Anh thấy trái tim như có ai bót thắt lại. Quả thật đối với một người nghệ sĩ khi chứng kiến được tác phẩm nghệ thuật đẹp của cuộc sống này thì sung sướng và hạnh phúc biết bao. Đó là giây phút trong ngần trong cuộc đời anh. Phùng nhận ra cái đẹp là đạo đức là chân thiện mỹ. Chiêm ngưỡng cảnh đẹp nhưng anh cũng không quên bấm máy để bắt kịp cái khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống ấy.
Thế nhưng sự nghịch lý lại được thể hiện ngay trong chính bức tranh tuyệt đẹp đó. Khi con thuyền tiến sâu vào bờ thì một cảnh tượng diễn ra mà nó không còn là chân thiện mỹ nữa. Hai người một ông một bà lầm lũi đi lên chỗ xe rà phá mìn. Người đàn bà kia trông có vẻ thô kệch, xấu xí và mặt giỗ. Còn người đàn ông to cao lực lưỡng. Bỗng họ dừng lại và Phùng ngạc nhiên khi thấy ông chồng rút thắt lưng quất tới tấp vào mặt vào người vợ mình.
Phùng bất bình và không tin vào mắt mình khi thấy cảnh tượng ấy. Người đàn bà không hề phản ứng lại mà chỉ cam chịu cắn răng chịu đau cho ông chồng đánh. Một thằng bé cầm dao chạy đến như muốn lấy mạng cha mình. thế rồi bị cha tát cho một cái lăn quay ra nền cát. Ông ta bỏ đi để lại vợ và con mình trên bãi cát dài ấy. Người đàn bà nước mắt giàn giụa lấp đầy cả những nốt rỗ lỗ chỗ trên mặt ôm thằng con vào lòng mà khóc. Cảnh tượng ấy nghịch lý hẳn so với bức tranh chân thiện mỹ kia.
Tạo nên sự nghịch lý ấy Nguyễn Minh Châu muốn nói với chúng ta về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Mối quan hệ ấy khăng khít gắn bó với nhau, chính đời sống sinh ra nghệ thuật. Điều cơ bản là nghệ thuật kia phải gắn với đời sống và không được rời xa cuộc sống. Như thế mới gọi là nghệ thuật đích thực. Cuộc sống này cũng có nhiều sự nghịch lý đa đoan như thế nên chúng ta không thể nhìn một cách phiến diện một chiều.
Nghịch lý thứ hai là câu chuyện về bạo lực gia đình của gia đình người đàn bà hàng chài. Người đàn bà ấy tại sao cứ cam chịu cái số phận để cho chồng đánh năm bữa nhẹ một bữa nặng. Như nghệ sĩ Phùng là người chứng kiến còn không thể chịu được mà tại sao người đàn bà lại chịu đựng một cách ngu ngốc đến thế. Phùng đã nhờ Đẩu gọi người đàn bà kia lên khuyên nhủ. Thế nhưng qua câu chuyện về cuộc đời bà cả hai vị chánh án, nghệ sĩ đều nhận ra những mặt khác của cuộc đời này. Cái nghịch lý là người đàn bà kia chịu đựng để cho ông chồng đánh lại trở thành cái có lý trong cuộc đời bà. Ngày xưa thì ông ta cũng là một người hiền lành lắm, bà bị mặt giỗ sau một trận đậu mùa. Vậy là ế chồng luôn, bố mẹ của bà mất đi chính ông ấy đã cưu mang cuộc đời bà. Họ sống với nhau trên con thuyền ấy nhưng nghèo quá. Đã thế lại đẻ nhiều cho nên ông chồng chán đời tủi nhục. Bà đành trở thành nơi để ông có thể trút giận chỉ mong sao ông có thể vững tay chèo. Hóa ra bà không hề ngu ngốc bà hi sinh vì những đứa con của bà, hi sinh vì thương người chồng tội nghiệp. Mặt khác trên thuyền cũng có nhiều lúc gia đình vợ chồng con cái vui vầy.
Qua sự nghịch lý ấy ta thấy cuộc đấu tranh chống bạo lực gia đình tha hóa đạo đức còn gian nan hơn cả cuộc chiến tranh chống xâm lược. Trong khi đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa, xây dựng một xã hội dân chủ công bằng thì ở đâu đó vẫn tồn tại những bạo lực gia đình. Đôi khi nhà nước không thể lo hết được những việc vụn vặt của từng gia đình.
Sự nghịch lý thứ ba là sự nghịch lý trong chính con người. Đó là cách mà nhà văn khám phá về con người trong thời đại mới. Điều đó được thể hiện trong chính người đàn bà hàng chài. Chị có một vẻ ngoài xấu xí thô kệch thế nhưng bên trong lại là một người vợ thương chồng, một người mẹ cam chịu đau đớn để hi sinh vì con. Đó chính là hạt ngọc trong tâm hồn mà Nguyễn Minh Châu đã khám phá được. Cuộc sống vất vả khó khăn như thế nhưng bà vẫn cam chịu đánh đập để cho con có thể sống sót tồn tại. Đức hi sinh ấy chỉ có những người mẹ mới có được.
Sự nghịch lí trong nhà văn muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp về cách nhìn nhận đánh giá một con người. Không nên nhìn theo dáng vẻ bề ngoài mà phải khám phá được điều tốt đẹp bên trong tâm hồn họ. Con người Việt nam luôn được đánh giá như những câu tục ngữ mà ông bà ta để lại. Đó là “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “đẹp nết hơn đẹp người”.
Tóm lại nhà văn Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công những nghịch trong tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa. Qua đó nhà văn muốn thể hiện tất cả những sự vật hiện tượng xung quanh cuộc sống của chúng ta đều tồn tại những mặt đối lập. Những mặt ấy bổ sung cho nhau. Thế nên chúng ta không nên nhìn sự vật hiện tượng hay con người một chiều, phiếm diện. Đối với cuộc sống phức tạp này cần có cái nhìn đa chiều để đánh giá đúng nhất về bản chất của sự vật hiện tượng con người đó.
Phân tích nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa – Mẫu 4
“Chiếc thuyền ngoài xa” là nhan đề một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu, được in trong tập Bến quê (1985), sau đó được đưa vào và dùng làm tên cho một tuyển tập – gồm 15 truyện – do nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1987. Thiên truyện được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12 phổ thông- cả ban khoa học xã hội – nhân văn lẫn ban cơ bản.
Truyện gồm 5 phần mở ra bao nghịch lý đời thường: một người trưởng phòng mẫn cán muốn có tờ lịch “tĩnh vật hoàn toàn” về thuyền và biển có sương giữa mùa tháng Bảy nhưng thực tế không thể tước bỏ được hình ảnh con người; người nghệ sĩ – Phùng – thu vào ống kính mình một cảnh thuyền và biển thật đẹp thì chính từ cảnh đó lại xuất hiện những cái thật xấu; một người đàn bà bị chồng hành hạ một cách vô lý nhưng không bao giờ muốn từ bỏ kẻ độc ác ấy; những người chiến sĩ nhiệt thành, dũng cảm đã từng chiến đấu giải phóng miền Nam khỏi nanh vuốt quân xâm lược Mĩ nhưng lại không thể làm thế nào để giải thoát cho một người đàn bà bất hạnh,v.v..Đấy là những minh chứng sinh động cho cách nhìn đa diện của Nguyễn Minh Châu, như chính ông từng khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phải phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”.
Phần mở truyện kể trọn vẹn sự cần thiết phải có bức ảnh. Nguyên- trưởng phòng- “là người sâu sắc, lại cũng lắm sáng kiến” yêu cầu tổ nhiếp ảnh “Phải có một bộ sưu tập chuyên đề. 12 tháng là 12 bức ảnh nghệ thuật về thuyền và biển. Không có người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật”. Suốt năm tháng làm việc khá thông đồng bén giọt, tổ nhiếp ảnh nghệ thuật đã mang về không biết cơ man nào là ảnh nhưng cũng chỉ có 11 bức được lọt vào cặp mắt xanh của viên trưởng phòng “sâu sắc nước đời”. Một bức ảnh còn thiếu hụt oái oăm kia được trưởng phòng tin khẩn giao cho “tôi”(tên là Phùng – nhân vật người kể chuyện) phải săn tìm cho được. Mà là tấm ảnh chụp có “sương biển” giữa mùa tháng bảy – cái tháng mà thông thường “chỉ có bão táp với biển động”. Thật là một vụ gieo trồng trái vụ vì thông thường” Muốn lấy xương thì phải nghĩ đến từ tháng ba!”.
Nhưng rồi “khi nên trời cũng chiều người”, “tôi” đã trở lại vùng biển chiến trường xưa, cách Hà Nội sáu trăm cây số” và vác máy nằm “phục kích” ở chính cái nơi mà “dường như trong suốt dải bờ biển khắp cả nước, chỉ ở đây vào giữa tháng bảy là còn sương mù”. Đây cũng còn là quê của một đồng đội cũ của “tôi”, giờ đang là Chánh án toà án huyện. Thật là gồm đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Và Phùng đã bỏ qua nhiều cảnh có “không khí vui nhộn hơi thô lỗ và thật hùng tráng” để chớp lấy cái khoảnh khắc “đắt” trời cho”. Đó là cảnh đẹp như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn và trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ…”.
Nhà nghệ sĩ dạt dào một cảm hứng nghệ thuật, trải qua một khoảnh khắc yên sĩ phi lý thuần tuyệt diệu: “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào? (…). Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.”. Và tuyệt tác đã ra đời trong sự hưng phấn nghệ thuật tuyệt vời ” cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”. Cần chú ý thành phần phụ chú ” do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại” trong lời kể chuyện. Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là cái hạnh phúc của khám phá và sáng tạo, cảm nhận và chớp lấy cái đẹp tuyệt diệu hiện ra trong khoảnh khắc. Dường như trong hình ảnh chiếc thuyền giữa biển mờ sương, anh đã bắt gặp cái tận Thiện, tận Mỹ, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, thanh lọc trở nên thật trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hoà, lãng mạn của cảnh vật. Đó là niềm hân hoan của người nghệ sĩ sau phát hiện thứ nhất. Một niềm hân hoan mãn nguyện.
Như thế, xét riêng về công vụ, nhiệm vụ của “tôi” lúc này đã hoàn thành. “Tôi” đã có cảnh thuyền và biển trong sương đúng như đặt hàng của trưởng phòng, mặc dù giữa mùa tháng bảy! Và “tôi” đã có thể ung dung “nhảy lên tàu hoả trở về”. Nếu khéo liên hệ một tí, ta dễ thấy nếu như nhân vật “tôi” về ngay lúc đó khác nào cô Nguyệt (trong Mảnh trăng cuối rừng) xuống xe ở cầu Đá Xanh. Tức là chỉ dừng lại ở chỗ được hưởng cái may mắn do cuộc đời đem lại cho mình.
Phần đầu truyện như thế đủ cho người đọc biết xuất xứ của bức ảnh nghệ thuật đặc sắc trên cuốn lịch năm mới kia ra đời thế nào. Và nếu nghĩ sâu xa hơn thì cũng cần bấy nhiêu ấy cũng đủ cho bộ môn lý luận nghệ thuật khái quát về mối quan hệ giữa công phu lao động nghệ thuật của nghệ sĩ và thực tế cuộc sống, theo tinh thần mà Chế Lan Viên đã khái quát bằng thơ: “Bài thơ anh, anh làm một nửa thôi/ Còn một nửa để mùa thu làm hộ”.
Phần kết truyện cho biết người trưởng phòng rất hài lòng với bức ảnh và bức ảnh không chỉ sống cuộc đời một cuốn lịch năm mà “mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”.
Theo dòng kể của “tôi” rõ ràng chiếc thuyền được chụp trong một cự li tương đối gần – “một chiếc thuyền lưới vó…đang chèo thẳng vào trước mặt tôi”- nhà nghệ sĩ nhìn rõ cả “những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó”. Người thưởng thức bức ảnh thông thường chắc không ai không cảm nhận chiếc thuyền đang được chụp trong một cự ly gần như thế. Thế nhưng vì sao tác giả lại đặt nhan đề truyện là “chiếc thuyền ngoài xa”?
Nhan đề vốn cần cô đọng, hàm súc, phản ánh trung thành nội dung văn bản. Có khi nhan đề phản ánh các đối tượng trình bày, có khi phản ánh quan niệm, cách nhìn của tác giả đối với đối tượng, có khi lại là sự kết hợp của rất nhiều nhân tố nhưng dù trong bất kì trường hợp nào, tất cả các nhan đề đều phải được rút ra, được khái quát từ chính nội dung văn bản. Nếu như nhan đề chỉ đơn thuần phản ánh các đối tượng thì hẳn chiếc thuyền trong ảnh không phải là ngoài xa! Phải chăng nhan đề đó phản ánh cách nhìn của tác giả đối với đối tượng.
Thật vậy, theo yêu cầu của trưởng phòng, bức ảnh phải săn tìm lần này “Không có người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật” những bức ảnh chụp được lại có vài bóng người lớn lẫn trẻ con”. Như không sao vì dù có người thì người cũng chỉ “ngồi im phăng phắc như tượng”!
Điều đáng nói là bức ảnh tĩnh vật như thế đã ghi nhận được cái gì? Truyện cho ta thấy đấy quả là một bức ảnh đẹp được chụp từ một cự li khá gần nhưng cái cách tiếp cận “thực tế”, tiếp cận “nguyên mẫu” như thế là cách tiếp cận từ xa! Vì sao vậy? Vì nhà nghệ sĩ chỉ thu được cái hình hài bên ngoài, cái thơ mộng bên ngoài của cảnh và người.
Nói như vậy vì sau cái phát hiện thứ nhất đầy hạnh phúc đã nói ở trên, người nghệ sĩ nhiếp ảnh lại có phát hiện thứ hai. Nhưng phát hiện lần này không phải được ghi vào ống kính mà nó đã hằn sâu trong tâm thức người nghệ sĩ. Đó là cái nghịch lý, nó bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Chỉ trước đó mấy phút, nghệ sĩ Phùng đã từng có cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình và anh cũng đã từng chiêm nghiệm “bản thân cái đẹp chính là đạo đức” vậy mà hoá ra đằng sau cái đẹp “toàn bích, toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên mặt biển kia chẳng phải là “đạo đức’ là chân lý của sự hoàn thiện vì ngay sau đó anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí mệt mỏi và cam chịu, một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải thoát những uất ức khổ đau.
Nghịch lý cuộc đời là ở chỗ ngay sau khi nhà nghệ sĩ “săn tìm” được cái đẹp trong cảnh vật để sáng tạo ra cái đẹp nghệ thuật kia, thì anh ta đã phải chứng kiến một cảnh đời cay cực, ngang trái mà không một người bình thường nào có thể ngoảnh mặt làm ngơ, nói chi đến nghệ sĩ vốn được coi là những con người đa cảm, đa mang!
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 12: Phân tích sự nghịch lý trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Dàn ý + 4 mẫu) Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.