Bạn đang xem bài viết Hướng dẫn đánh giá học sinh THCS, THPT theo Thông tư 22 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Ngày 20/07/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT. Theo đó kể từ ngày 05/09/2021 việc đánh giá học sinh THCS, THPT được quy định mới có nhiều điểm khác so với quy định trước đây.
Vậy Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT này có những điểm mới, thay đổi bổ sung gì? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Blogdoanhnghiep.edu.vn nhé.
Đánh giá học sinh THCS và THPT theo lộ trình
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/9/2021 và thay thế Thông tư 58/2011/TT-BGDDT với lộ trình áp dụng như sau:
- Từ năm 2021-2022 đối với lớp 6.
- Từ năm 2022-2023 đối với lớp 7 và 10
- Từ năm 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11
- Từ năm 2024-2025 đối với lớp 9 và 12.
Quy định mới về điều kiện được lên lớp của học sinh
Theo thông tư 22 thì học sinh có đủ các điều kiện sau đây thì được lên lớp hoặc được công nhận hoàn thành chương trình THCS, THPT gồm:
- Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên;
- Kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên;
- Nghỉ không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 01 buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ có phép và không phép, nghỉ liên tục hoặc không liên tục).
Trước đây, theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT chỉ quy định về điều kiện học sinh được lên lớp như sau:
- Hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên;
- Nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại).
Thay đổi tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học
Các năm học trước, áp dụng quy định tại Điều 5 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, học sinh THCS, THPT được xếp loại học lực cuối kì và cả năm theo 5 loại là: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 9 Thông tư 22 mới ban hành, kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 01 trong 04 mức: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt. Cụ thể:
Tiêu chí xếp mức Tốt:
- Học sinh có tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét mức Đạt.
- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm từ 6,5 điểm trở lên;
- Có ít nhất 06 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 8,0 điểm trở lên.
Tiêu chí xếp mức Khá:
- Học sinh có tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt.
- Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên;
- Có ít nhất 06 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, trung bình môn cả năm đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Tiêu chí xếp mức Đạt:
- Học sinh có nhiều nhất 01 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt.
- Có ít nhất 06 môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên;
- Không có môn học nào có điểm trung bình môn học kỳ và trung bình môn cả năm dưới 3,5 điểm.
- Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.
Xem thêm: Quy định về đánh giá kết quả học tập học sinh THCS, THPT theo Thông tư 22
Chỉ tặng giấy khen danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc
Theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 22 năm 2021, cuối năm học, hiệu trưởng sẽ chỉ trao tặng giấy khen danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Không còn khen thưởng danh hiệu học sinh tiên tiến (theo Điều 18 Thông tư 58/2011 sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT) như các năm học trước.
Cụ thể, quy định Điều 15 Thông tư 22 quy định về việc khen thưởng đối với học sinh THCS, THPT như sau:
1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh
a) Khen thưởng cuối năm học
– Khen thưởng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTBmcn đạt từ 9,0 điểm trở lên.
– Khen thưởng danh hiệu “Học sinh Giỏi” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.
b) Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.
2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Có một môn bị đánh giá chưa đạt vẫn được lên lớp
Về việc được lên lớp, đánh giá lại trong kì nghỉ hè, không được lên lớp, tại Điều 12 Thông tư 22 quy định như sau:
1. Học sinh có đủ các điều kiện dưới đây thì được lên lớp hoặc được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông:
a) Kết quả rèn luyện cả năm học (bao gồm kết quả đánh giá lại sau khi rèn luyện trong kì nghỉ hè theo quy định tại Điều 13 Thông tư này) được đánh giá mức Đạt trở lên.
b) Kết quả học tập cả năm học (bao gồm kết quả đánh giá lại các môn học theo quy định tại Điều 14 Thông tư này) được đánh giá mức Đạt trở lên.
c) Nghỉ học không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 01 buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ học có phép và không phép, nghỉ học liên tục hoặc không liên tục).
2. Trường hợp học sinh phải rèn luyện trong kì nghỉ hè thực hiện theo quy định tại Điều 13 Thông tư này; học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học trong kì nghỉ hè thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
3. Học sinh không đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thì không được lên lớp hoặc không được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông.
4. Đối với học sinh khuyết tật: Hiệu trưởng căn cứ kết quả đánh giá học sinh khuyết tật theo quy định tại Điều 11 Thông tư này để xét lên lớp hoặc công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông đối với học sinh khuyết tật.
Trước đây, để được lên lớp học sinh phải đạt hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên đồng thời nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học (theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 58).
Căn cứ khoản 3 Điều 13 Thông tư 58, để được xếp học lực trung bình ở các năm học trước, học sinh đáp ứng các điều kiện: Có điểm trung bình các môn học từ 5,0 trở lên; Điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn hoặc Ngoại ngữn từ 5,0 trở lên; Không có môn học nào điểm trung bình dưới 3,5; các môn học đánh giá bằng nhận xét đều được đánh giá loại Đạt.
Trong khi đó, tại Thông tư mới lại yêu cầu học sinh được lên lớp khi có quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên. Cụ thể, tiêu chuẩn xếp mức Đạt trong đánh giá cả năm theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 22 là:
- Có nhiều nhất 01 (một) môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt.
- Có ít nhất 06 (sáu) môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có ĐTBmhk, ĐTBmcn từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có ĐTBmhk, ĐTBmcn dưới 3,5 điểm.
Như vậy, từ năm học tới, khi áp dụng quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT theo Thông tư 22, học sinh có 01 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức chưa Đạt có thể vẫn được lên lớp.
Trên đây là toàn bộ điểm mới của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT, mời các thầy cô tham khảo nhé.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Hướng dẫn đánh giá học sinh THCS, THPT theo Thông tư 22 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.