Nồi cơm điện tách đường là sản phẩm nồi cơm điện hướng tới người dùng muốn và cần giảm lượng đường trong thức ăn để bảo vệ sức khỏe. Vậy nồi cơm điện tách đường là gì? Cấu tạo, nguyên lý hoạt động và tác dụng của nó như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!
Nồi cơm điện tách đường là gì?
Về hình dạng, nồi cơm điện tách đường có vẻ ngoài giống như nồi cơm điện tử, trông sang trọng, hiện đại, đẹp mắt và không quá khó dùng.
Nồi cơm tách đường cơ bản cũng dùng nấu chín cơm như 1 nồi cơm điện thông thường, nhưng nguyên lý hoạt động có khác biệt.
Gạo thông thường cung cấp lượng lớn tinh bột cho cơ thể, tinh bột trong gạo chia thành 3 loại: tinh bột tiêu hóa nhanh – RDS, tinh bột tiêu hóa chậm – SDS và tinh bột kháng đường RS. Trong đó, tinh bột nhanh và tinh bột chậm đều được cấu tạo từ các phân tử amylose và amylopectin.
Amylopectin rất dễ hấp thụ, mang lại năng lượng cao cho cơ thể để vận động, nhưng lại làm đường huyết tăng nhanh, và nó chiếm tỷ lệ cao trong tinh bột nhanh ở gạo.
Ngược lại, tinh bột chậm lại chứa nhiều amylose hơn, loại này cần nhiều thời gian để phân giải, nhờ cấu trúc bán tinh thể làm giảm sự tiếp xúc với các ezym tiêu hóa, nên nó không làm lượng đường trong máu tăng đột ngột và tăng ở mức vừa phải, ổn định.
Nồi cơm tách đường dựa trên nguyên lý phân tách phân tử tinh bột: Ở nhiệt độ “dẻo”, khi quá trình “dẻo hóa” của gạo bắt đầu (trong quá trình nấu), các phân tử tinh bột nhanh sẽ bị đẩy ra khỏi gạo và hòa vào trong nước, trong khi tinh bột chậm và các dưỡng chất khác vẫn ở lại.
Trên nguyên lý đó, nồi cơm tách đường sẽ tách và loại bỏ phần tinh bột nhanh này khỏi cơm nấu, từ đó giảm đi khoảng 30% lượng đường có trong cơm chín, hữu ích cho việc kiểm soát đường huyết của người tiểu đường, tim mạch, béo phì…
Nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện tách đường
Quy trình nấu và tách đường của nồi cơm tách đường chia làm 4 bước:
Bước 1: Gia nhiệt phù hợp
Nồi cơm điện tách đường với cảm ứng thông minh kiểm soát toàn bộ quy trình nấu cơm. Tại bước gia nhiệt, nồi cơm điện sẽ đưa nhiệt độ lên mức nhất định và duy trì ổn định mức nhiệt đó cho quá trình phân tách tinh bột.
Bước 2: Phân tách Amylopectin ra khỏi gạo
Khi được gia nhiệt tới nhiệt độ thích hợp, nồi sẽ duy trì mức nhiệt ổn định để Amylopectin tự phân tách ra khỏi hạt gạo và hòa tan vào nước, trong khi vẫn giữ hàm lượng Amylose dưỡng chất khác của gạo.
Bước 3: Loại bỏ Amylopectin ra bên ngoài
Khi lượng Amylopectin được hòa tan một cách tối ưu nhất, hệ thống thoát nước thông minh của nồi cơm tách đường sẽ tự động loại bỏ hoàn toàn nước cùng tinh bột nhanh nhằm ngăn chúng hấp thụ trở lại vào cơm, giữ cơm chín vẫn có hương vị tự nhiên và ít đường hơn.
Bước 4: Nấu chín cơm
Sau khi đã loại bỏ phần nước chứa tinh bột nhanh, nồi sẽ tiếp tục làm chín hạt gạo như nồi cơm điện thông thường.
Cơm chín sẽ có màu trắng hơn, không có vị ngọt, lượng calories giảm bớt, năng lượng đường cũng hấp thụ chậm giúp người dùng không thấy đầy bụng, mệt mỏi hay buồn ngủ.
Vì đã loại bỏ lượng đường đáng kể nên cơm cũng bảo quản được lâu hơn vì hạn chế được sự lên men từ đường.
Có nên sử dụng nồi cơm điện tách đường?
Nồi cơm điện tách đường có lợi cho những người ăn kiêng, thừa cân béo phì cần giảm năng lượng mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Trên lý thuyết, các bệnh nhân tiểu đường, tim mạch cần kiểm soát đường huyết có thể sử dụng nồi cơm điện tách đường này. Tuy nhiên, vì bản thân cơm nấu từ nồi cơm điện tách đường vẫn giữ lại lượng đường amylose tiêu hóa chậm, tức vẫn có chứa đường và tác động ít nhiều lên chỉ số đường huyết.
Vì vậy, khi dùng cơm nấu từ nồi cơm điện tách đường, người bệnh vẫn cần kiểm soát tốt để đảm bảo cân bằng chỉ số đường huyết an toàn.
Nồi cơm điện tách đường là 1 lựa chọn tiện ích và thú vị, hướng tới nhu cầu bảo vệ sức khỏe, giảm tác động của đường lên cơ thể con người khi cần. Hiểu nguyên lý hoạt động và tác dụng thực tế của nó, người dùng cân nhắc để chọn lựa phù hợp với nhu cầu.