Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam Những bài văn hay lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam gồm 2 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay sát với chương trình học.
TOP 2 bài cảm nhận Dưới bóng hoàng lan dưới đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú, làm văn một cách sáng tạo. Bên cạnh đó các bạn xem thêm Dàn ý phân tích Dưới bóng hoàng lan.
Dàn ý cảm nhận Dưới bóng hoàng lan
a. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm và cảm nhận chung của mình khi đọc tác phẩm
b. Thân bài:
– Cảm nhận được niềm hạnh phúc của Thanh khi được về thăm nhà: khung cảnh yên bình của ngôi nhà => Giúp bỏ hết ồn ào của cuộc sống; được bà yêu thương, chăm sóc => Cảm động rưng rưng nước mắt; khu vườn có cây hoàng lan => Nhớ lại thời thơ ấu
=> Tình bà cháu vô cùng đáng quý và cảm động
– Tình cảm của Thanh và Nga: Thanh bắt đầu rung động trước Nga; Nga bày tỏ sự nhớ nhung với Thanh; Thanh hứa hẹn sẽ về đây nhiều hơn => Tình yêu chính thức bắt đầu bằng cái nắm tay của Thanh với Nga
=> Cảm nhận được tình yêu trong sáng, dịu dàng
– Thanh lại phải lên tỉnh: Mang theo tình yêu của bà trong những món quà quê bà sắp cho cháu; lần này có thêm cả người thương chờ đợi
c. Kết bài: Khái quát lại tác phẩm dưới bóng hoàng lan và cảm nhận về tác phẩm
Cảm nhận về Dưới bóng hoàng lan
Nguyễn Tuân đã từng nhận xét về Thạch Lam: “Sáng tác của Thạch Lam đem lại một cái gì đó nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu”. Thật vậy, nhất là ở “Dưới bóng hoàng lan” – một câu chuyện giản dị, nhẹ nhàng nhưng khơi gợi rất nhiều xúc cảm từ nơi đáy lòng sâu thẳm của con người. Đọc tác phẩm, ta thấy được sự nhẹ nhõm, thoải mái khi được quay về quê hương thân thuộc. Mùi hương hoa hoàng lan dìu dịu xuất hiện xuyên suốt truyện như tưới mát cho tâm hồn người đọc.
“Dưới bóng hoàng lan” là câu chuyện kể về một ngày được nghỉ ngơi ở quê của Thanh. Trong truyện ngắn này, tác giả tập trung miêu tả suy nghĩ, cảm xúc của Thanh khi về thăm nhà, khi được gặp lại bà và cô bé hàng xóm. Từ đó, truyền tải thông điệp về tình yêu quê hương sâu sắc, tình cảm bà cháu gắn bó, thân thuộc và tình yêu đầu đời ngọt ngào, ý nhị.
Khi vừa trở về nhà, Thanh đã gặp lại “con đường lát gạch Bát Tràng rêu phủ” và vòm cây quen thuộc. Thế giới xô bồ, nóng bức ngoài kia khác biệt hoàn toàn toàn với vườn nhà xanh tươi. Không khí ở đây tràn ngập ánh sáng, mát mẻ và có cả mùi lá tươi non phảng phất. Tưởng tượng như đây chính là cánh cửa mở ra khu vườn thần tiên trong truyện cổ tích, làm cho con người ta cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng đến lạ. Vào đến nhà, Thanh chưa vội bật đèn. Anh tận hưởng cái dịu mát từ bóng tối, trong đáy lòng dâng lên cảm giác thân thuộc, bình yên đến kì lạ. Không gian yên lặng và trầm tịch khiến Thanh xúc động đến nghẹn họng, mãi mới cất được tiếng gọi khẽ “Bà ơi!”. Đáp lời chàng là sự xuất hiện của con mèo già. Chàng tiến đến vuốt ve con mèo như ngày trước. Mọi thứ trong căn nhà, trong khu vườn từ khi Thanh đi đến nay đều không có gì thay đổi. Sự dễ chịu khi được gặp lại khung cảnh thân thuộc chính là tình yêu quê hương. Tình yêu làm cho không gian, cảnh vật như được tưới thêm những tươi mát, dịu dàng, chào đón Thanh trở về với nơi chốn cũ.
Gặp được bà, Thanh cảm động và mừng rỡ chạy lại gần. Bà của Thanh hiện lên với đôi mắt hiền từ, làn tóc trắng, tay chống gậy trúc. Ánh mắt bà nhìn cháu tràn đầy âu yếm và mến thương. Ở bên bà, Thanh như quay ngược thời gian trở lại làm một đứa trẻ, được bà chăm sóc cho từng miếng ăn giấc ngủ. Bà lo Thanh mệt, giục chàng đi rửa mặt nghỉ ngơi, bà phủi bụi trên giường rồi buông màn, đuổi muỗi cho anh ngủ như khi còn bé thơ. Những hành động ấy đều chan chứa tình cảm yêu thương của bà dành cho cháu, khiến cho Thanh “ứa nước mắt” vì cảm động và thương bà. Dù chàng trai ấy có lớn bao nhiêu đi chăng nữa, dáng người có thẳng, mạnh thì bên cạnh một bà cụ gầy, còng, chàng vẫn là đứa bé cần được bà chăm sóc. Tình cảm gia đình được thể hiện qua những cử chỉ ân cần của bà đã cho ta thấy tình bà cháu thật gần gũi, gắn bó, ấm áp và cảm động.
Tác giả Thạch Lam cũng đã khéo léo lồng ghép dư vị tình yêu đầu ngọt ngào, ý nhị qua mối quan hệ của Thanh với Nga – cô bé hàng xóm từng chơi rất thân thuở ấu thơ. Thanh nhớ ra Nga khi nghe được giọng cô ở dưới bếp, chàng chạy xuống vui vẻ gọi Nga. Cô Nga hiện lên với một nụ cười, đôi mắt trong sáng, tiếng nói nhẹ nhàng, mái tóc dài đen nhánh. Cô bé ngày nào nay đã lớn, trở thành một thiếu nữ. Thanh mời cô ở lại ăn cơm, hai người cùng chuyện trò về những kỉ niệm thuở bé rồi trao nhau những cái nhìn âu yếm, ý nhị. Nhìn ngắm Nga, chàng trai thấy “quả tim đập nhẹ nhàng”. Có lẽ tình yêu đã dần nảy nở trong lòng Thanh, khiến lòng chàng tràn ngập cảm giác thư thái và sung sướng. Thanh cùng Nga đi dạo trong vườn, mùi hương hoàng lan khiến hai người say mê, hai người trở nên thân mật hơn. Nga trực tiếp bày tỏ: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”. Người trẻ khi yêu mạnh mẽ và táo bạo nhưng đôi khi cũng có những nỗi ngại ngùng. Đáp lại lời tỏ tình trực tiếp của cô gái, Thanh không biết nói gì, chàng chỉ “vít một càng lan xuống giữ trong tay để Nga tìm hoa. Rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành cong lên”. Đó có lẽ là một hành động đầy tinh tế, ngầm thể hiện tình cảm yêu mến của Thanh dành cho cô hàng xóm như muốn nói “từ giờ tôi sẽ ở đây hái hoa cùng Nga”.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, hôm sau, Thanh đã phải lên tỉnh. Chàng mang theo chiếc va-li nặng những thức quả bà cho cùng tâm trạng “nửa buồn mà lại nửa vui” rời đi. Thanh nghĩ rằng mình sẽ sớm quay lại với căn nhà quen thuộc, với người bà yêu dấu và với Nga, tình yêu đầu chàng.
Chỉ trong một tác phẩm mà nhà văn Thạch Lam đã khéo léo lồng ghép cả ba thứ tình cảm nhưng người đọc lại không hề cảm thấy nặng nề hay khó hiểu. Độc giả đã nhận thấy được cả tình yêu quê hương, tình yêu gia đình và tình cảm đôi lứa trong “Dưới bóng hoàng lan”. Tất cả là nhờ ngôn ngữ giản dị, gần gũi cùng với lối kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, giọng văn tha thiết của nhà văn Thạch Lam.
Cảm nhận bài Dưới bóng hoàng lan
Thạch Lam là một nhà văn của nhóm Tự lực văn đoàn, ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, ghi dấu ấn trong lòng người đọc, có thể kể đến như tác phẩm gió đầu mùa, Hai đứa trẻ, Ngày mới,…Văn của Thạch Lam sáng tác thường có nội dung đơn giản, ẩn chứa trong đó là vẻ đẹp của cuộc sống thường nhật, chính điều này đã thu hút được các độc giả, bởi khi đọc những tác phẩm do ông sáng tác, mỗi người đều sẽ tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn mình.
Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan cũng mang phong cách nghệ thuật trên của Thạch Lam. Truyện được in trong Tuyển tập Thạch Lam, có nội dung chính xoay quanh lần về thăm quê của Thanh, được gặp lại bà và nhớ lại kỉ niệm hồi thơ ấu với cây hoàng lan trồng trong vườn, cũng như bắt đầu một mối tình dưới bóng hoàng lan cùng Nga, người bạn hàng xóm. Tôi vô cùng yêu thích tác phẩm Dưới bóng hoàng lan, nó đã mang tới cho tôi những cảm xúc đặc biệt, không giống với những tác phẩm khác tôi từng đọc.
Mở đầu truyện, tôi đã cảm thấy được sự sung sướng, hạnh phúc vô bờ của nhân vật Thanh khi xa quê lâu ngày và được trở về thăm nhà. Khung cảnh yên bình của mái ấm thân thuộc hiện ra trước mắt Thanh, cũng chính là xuất hiện trước mắt độc giả. Nhà Thanh có con đường lát gạch Bát Tràng, bức tường hoa và mùi lá tươi mát của vườn cây,… Tất cả đã khiến cho Thanh thấy bao nhiêu sự ồn ào của cuộc sống đều ngừng lại ở bậc cửa. Thanh bắt đầu gọi bà, nghe được tiếng gọi bà từ vườn chống gậy trúc đi lên. Bà đã già, mái tóc bạc phơ, hai bà cháu mừng rỡ khi gặp lại nhau. Tuy Thanh đã lớn, trở thành một chàng trai to lớn, còn bà thì đã “gầy còng”, nhưng khi ở với bà Thanh vẫn mãi chỉ là cậu nhóc chưa lớn, được bà yêu thương, săn sóc từng chút một. Bà bảo anh đi vào không nắng, dọn dẹp lại giường cho cháu nghỉ ngơi, rồi thấy cháu ngủ bà buông màn, quạt đuổi muỗi cho cháu. Những hành động và lời nói đầy yêu thương của bà dành cho Thanh đã khiến anh xúc động đến rưng rưng cả mắt. Tình bà cháu của Thanh và bà khiến người đọc như tôi thấy thật cảm động, tình thân này có lẽ cũng không khác với tình mẫu tử là mấy, là tình cảm quý giá trong cuộc sống này để an ủi Thanh mỗi khi nhớ nhà, mệt nhọc vì cuộc sống xô bồ.
Nằm ngắm vườn cây xanh mát, nhớ lại những kí ức thời ấu thơ với cây hoàng lan ở trong vườn, chắc Thanh cảm thấy bình yên hơn bao giờ hết. Rồi khi nghe thấy tiếng của ai đó dưới bếp cùng bà nấu cơm, Thanh chưa nhớ ra là ai, chính cây hoàng lan đã giúp anh giật mình nhớ ra và chạy xuống bếp. Người đó chính là Nga, em hàng xóm cùng anh lớn lên, giờ Nga rất xinh xắn trong tà áo trắng trung học và mái tóc đen nhánh. Thanh coi Nga như một người thân mật mỗi lần về thăm nhà sẽ gặp và có khi ngỡ Nga là em gái mình nữa. Nhưng khi bắt đầu ra vườn đi dạo dưới bóng hoàng lan, nhớ lại kỉ niệm xưa cùng Nga nhặt hoa hoàng lan, thấy tia nắng vương trên tóc Nga, tim của Thanh đã rung động nhẹ nhàng. Rồi đến sau bữa cơ, hai người lại ra vườn đi dạo, Thanh thấy mùi hoàng lan vương trên tóc Nga, được Nga bày tỏ “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”, Thanh đã đáp lại bằng câu hứa hẹn mai kia sẽ về ở đây nhiều hơn. Có lẽ một chuyện tình đẹp đã bắt đầu dưới bóng cây hoàng lan. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc dịu dàng của tình yêu đôi lứa đang tràn về trong Thanh và Nga, tình cảm của họ thật nhẹ nhàng và sâu lắng làm sao. Cho đến tối khi tiễn Nga về, Thanh đã trực tiếp bày tỏ tình cảm bằng cái nắm tay thật lâu với Nga. Sau khoảnh khắc đó, Thanh đã biết được trái ngọt của tình yêu ra sao, đã bắt đầu cảm nhận được niềm hạnh phúc mới. Tình yêu của Thanh và Nga cứ đến như cơn gió dịu êm như vậy, người đọc chắc hẳn cũng đều cảm nhận được tình yêu đó đẹp như thế nào? Bởi chúng ta ai cũng từng có một mối tình đầu trong sáng như Thanh và Nga.
Hôm sau Thanh lại phải lên tỉnh, mang theo chiếc vali đầy ắp quà quê bà chuẩn bị cho. Anh buồn vì lại phải xa nhà nhưng lại vui vì vẫn có tổ ấm, nơi bà chờ anh về mỗi khi mệt mỏi. Và lần này đi, còn có thêm người thương đợi anh, là cô Nga. Chắc hẳn những điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Thanh khi xa nhà lập nghiệp.
Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của tác giả Thạch Lam đã mang đến cho người đọc cảm giác thật bình yên với cốt truyện nhẹ nhàng, xoay quanh tình thân, tình yêu đôi lứa, trước sự chứng kiến của cây hoàng lan. Đọc truyện, tôi cảm thấy như được gột rửa tâm hồn theo từng câu văn đơn giản nhưng xoa dịu lòng người của tác giả, qua đó, tôi nhận ra, bình yên không hề ở xa ta, mà ở ngay trong những điều thân thuộc nhỏ bé xung quanh mình. Vậy nên chúng ta hãy trân trọng cuộc sống, yêu thương mọi người xung quanh mình nhiều hơn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam Những bài văn hay lớp 10 tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.