Bạn đang xem bài viết Dân số chỉ ngang quận Bình Tân nhưng sở hữu nguồn thủy điện công suất tương đương Thủy điện Sơn La, quốc gia này muốn dùng điện dư để… đào Bitcoin tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Nhu cầu tiêu thụ điện của cả quốc gia này chỉ khoảng gần 500 MW, nhưng trong 3 năm tới, họ dự kiến sẽ sử dụng tới 600 MW để đào Bitcoin.
Nikkei Asia đưa tin, Vương quốc Bhutan, được biết đến là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, đang bắt tay vào một dự án khai thác tiền điện tử.
Quốc gia này đã hợp tác với Tập đoàn công nghệ Bitdeer, có trụ sở tại Singapore, để phát triển một nhà máy khai thác Bitcoin với công suất 600 MW. Bitdeer dự định thành lập một quỹ tài trợ vào cuối tháng 5, nhằm huy động 500 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế cho dự án. Một nguồn tin cấp cao thân cận với dự án đã xác nhận rằng đợt gây quỹ thực sự đã diễn ra theo kế hoạch.
Ujjwal Deep Dahal, Giám đốc điều hành của Druk Holding and Investments, công ty thuộc sở hữu nhà nước, cho biết: “Mặc dù Bhutan phải đối mặt với những hạn chế về địa lý và thách thức về mặt kết nối, do không giáp biển và nhiều đồi núi, nhưng năng lượng sạch và tương đối rẻ đã mang đến cơ hội”.
Bhutan không chỉ quan tâm đến blockchain mà còn là trí tuệ nhân tạo, người máy và công nghệ sinh học. Hệ thống giáo dục của quốc gia này cũng đang được cải cách để nhấn mạnh tư duy phản biện, tính sáng tạo và hiểu biết về kỹ thuật số, với các bài học lập trình cho học sinh từ 8 tuổi trở lên.
Jihan Wu, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bitdeer, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với DHI trong việc tiếp cận nguồn năng lượng không phát thải của Bhutan để kích hoạt một cách bền vững các công nghệ chuỗi khối”.
Hoạt động đào Bitcoin, với khoảng 100 MW điện dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9 này, và mục tiêu là tăng lên 600 MW trong ba năm tới. Điện sẽ được bán với giá thỏa thuận.
Với công suất 100 MW, dự án này sẽ là nguồn tiêu thụ năng lượng lớn nhất của Bhutan. Với mức 600 MW, dự án sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn cả nhu cầu toàn quốc. Với dân số chỉ khoảng 790.000 người (tương đương quận Bình Tân, TP. HCM), nhu cầu điện cao nhất của Bhutan được ghi nhận ở mức 488 MW vào tháng 12/2021, theo Tập đoàn Điện lực Bhutan.
Bhutan có công suất thủy điện khoảng 2.400 MW (tương đương Nhà máy thủy điện Sơn La của Việt Nam) và bán phần lớn sản lượng thủy điện cho Ấn Độ vào mùa hè.
Vào mùa đông, quốc gia này nhập khẩu điện, khi công suất phát điện giảm xuống còn khoảng 414 MW. Nhưng nguồn sẽ ổn định hơn khi một nhà máy điện 118 MW đi vào hoạt động vào cuối năm nay, và một nhà máy 1.020 MW hòa lưới vào tháng 10/2024.
Hiện tại, sự biến động theo mùa của hoạt động sản xuất điện đã được xem xét trong thỏa thuận Bitdeer. Nhu cầu trong nước sẽ được ưu tiên hàng đầu và các hoạt động khai thác tiền điện tử sẽ ngừng vào mùa đông khi lượng điện giảm.
Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ tạo ra một nguồn ngoại tệ từ việc bán điện, giúp tăng thuế và có lợi nhuận. Kế hoạch của Bhutan là sử dụng số tiền thu được để tăng cường mạng lưới điện và viễn thông.
Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra từ 300 đến 400 việc làm cho người dân Bhutan và mở ra “một ngành công nghiệp hoàn toàn mới”.
Tuy nhiên, cũng có những lo ngại về việc sử dụng nguồn lực quốc gia để tham gia vào một ngành còn nhiều tranh cãi. Các quốc gia khác từng khai thác tiền điện tử đã gặp phải một số vấn đề. Tại Kazakhstan ở Trung Á, sự bùng nổ của hoạt động khai thác tiền điện tử đã gây căng thẳng cho lưới điện, dẫn đến mất điện cục bộ.
Một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã cấm khai thác tiền điện tử vì quá tiêu tốn năng lượng.
Giá trị của tiền điện tử cũng rất biến động. Năm 2021, giá Bitcoin đã giảm từ 68.000 USD xuống chỉ còn 17.000 USD. Năm nay, đã có lúc nó đã trở lại mức trên 30.000 USD
Dahal từng thừa nhận rằng Bhutan đã tham gia thị trường tiền điện tử khi Bitcoin được giao dịch ở giá khoảng 5.000 USD vào năm 2019. Ông nhấn mạnh rằng DHI nhận thức được những rủi ro, và Bhutan có khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ.
Nhiều người ở Bhutan coi việc khai thác Bitcoin là một rủi ro có thể chấp nhận, vì nguồn cung ngoại tệ khan hiếm.
Trong tổng số 21 triệu Bitcoin, hơn 19 triệu đã được khai thác, một thực tế dự kiến sẽ làm gia tăng nhu cầu Bitcoin. Nhiều người cũng đang tin tưởng vào việc tiền điện tử sẽ trở thành xu hướng. Tuy cho rằng Buhtan nên tận dụng lợi thế thủy điện, ông Tshering Cigay, cựu giám đốc điều hành Thimphu Techpark – Trung tâm phát triển CNTT của Bhutan cũng thừa nhận dự án này sẽ khiến Bhutan đối mặt nhiều vấn đề phức tạp.
Tham khảo Nikkei Asia
Thông tin về tiền điện tử trong bài viết không phải là khuyến nghị đầu tư. Tại Việt Nam hoạt động đầu tư tiền điện tử chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ. Các loại tiền điện tử luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Dân số chỉ ngang quận Bình Tân nhưng sở hữu nguồn thủy điện công suất tương đương Thủy điện Sơn La, quốc gia này muốn dùng điện dư để… đào Bitcoin tại Blogdoanhnghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/dan-so-chi-ngang-quan-binh-tan-nhung-so-huu-nguon-thuy-dien-cong-suat-tuong-duong-thuy-dien-son-la-quoc-gia-nay-muon-dung-dien-du-de-dao-bitcoin-176230613083653994.chn